Bộ luật Lao động sửa đổi: Tăng tính khả thi của chính sách dành cho lao động nữ

ANTD.VN - Theo các chuyên gia, nếu Bộ luật Lao động chứa đựng nhiều quy định mang tính có lợi hơn cho lao động nữ so với lao động nam sẽ làm xuất hiện tình trạng doanh nghiệp hạn chế sử dụng lao động nữ vì làm tăng chi phí.

 

Theo dự thảo Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sẽ được điều chỉnh tăng đến 60 tuổi

Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ được trình Quốc hội để xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV tới đây. Mặc dù vậy, nhiều nội dung có liên quan tới bình đẳng giới, quyền lợi của lao động nữ vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Theo báo cáo đánh giá thực tiễn triển khai Bộ luật Lao động 2012 cho thấy, việc Bộ luật Lao động chứa đựng nhiều quy định mang tính có lợi hơn cho lao động nữ so với lao động nam làm xuất hiện tình trạng doanh nghiệp hạn chế sử dụng lao động nữ vì làm tăng chi phí doanh nghiệp do phải thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ.

Chỉ ra những khó khăn trong quá trình thực thi, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới Trần Kim Thanh cho biết, hiện một số quy định trong Bộ luật Lao động hiện hành không thể thực thi trong thực tế cuộc sống mà con gây tâm lý lo ngại sử dụng nhiều lao động nữ trong các doanh nghiệp. Ví dụ như quy định lao động nữ được nghỉ 30 phút trong mỗi kỳ kinh nguyệt. Điều này thường ít được thực hiện tại các doanh nghiệp vì doanh nghiệp cho rằng việc nghỉ giữa giờ ảnh hưởng đến quy trình sản xuất.

Từ góc độ bình đẳng giới, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Văn Bình cho hay, lần sửa đổi Bộ luật Lao động này, quan điểm của cơ quan soạn thảo là thay đổi cách tiếp cận bảo vệ lao động nữ sang cách tiếp cận thúc đẩy bình đẳng giới. Thay vì bảo vệ, chính sách pháp luật cần có quy định để thúc đẩy phụ nữ phát triển. Vì nếu chỉ đưa ra các quy định “phân biệt nam - nữ” tưởng chừng như nhân văn nhưng thực tế là có hại cho lao động nữ. Vì như vậy, lao động nữ sẽ có nguy cơ bị doanh nghiệp phân biệt đối xử.

Lấy ví dụ về điều này, ông Nguyễn Văn Bình cho hay, có nhiều ý kiến cho rằng việc chênh lệch tuổi nghỉ hưu của nam và nữ như hiện hành (chênh 5 năm) là bảo vệ lao động nữ nhưng theo quan điểm của quốc tế thì như thế chính là phân biệt đối xử. 

Bàn về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho hay, ở nhiểu quốc gia tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ ở rất nhiều nước là bằng nhau. Thế nhưng cũng có tới 36% các nước thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) là có tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ chênh nhau (nam là 62 và nữ là 60 tuổi). Vì vậy việc nâng tuổi nghỉ hưu là việc cần làm, nhưng làm từng bước.

Nêu quan điểm của mình ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, không nên nghĩ rằng việc quy định tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn lao động nam là bất bình đẳng bởi hiện nay do điều kiện xã hội của Việt Nam còn khó khăn, môi trường làm việc còn hạn chế vì thế việc quy định cho lao động nữ nghỉ hưu sớm cũng là phù hợp. Về lâu dài khi các điều kiện này được cải thiện thì chúng ta có thể nâng dần để tuổi nghỉ hưu của hai giới bằng nhau.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi lần này cũng sẽ rà soát, bổ sung, định nghĩa lại những nội dung như: chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, chính sách đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ…

Ban soạn thảo cũng sẽ lắng nghe đầy đủ các ý kiến góp ý để, hoàn thiện nội dung trong dự thảo đảm bảo hài hòa giữa ba bên là, nhà nước, doanh nghiệp và người lao động.