Bộ luật Dân sự phải gần dân, bảo vệ dân

ANTĐ - Thảo luận tại tổ về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) ngày 13-11, nhiều ĐBQH thẳng thắn chỉ ra, dự thảo còn nhiều quy định, khái niệm, thuật ngữ chưa thật gần dân, không sát với thực tiễn cuộc sống. Các quy định về sở hữu trong luật còn chung chung, khi phát sinh vụ việc rất khó xử lý.

Bộ luật Dân sự phải gần dân, bảo vệ dân ảnh 1Đại biểu Nguyễn Đình Quyền: “Triết lý quan trọng nhất là phải căn cứ vào tổng kết thực tiễn, cái gì vướng mắc thì sửa”

Tại tổ Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền đặt vấn đề: “Tôi thấy lạ vì trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần này có nhiều quy định, thuật ngữ đã từng bị Quốc hội bác, chẳng hạn các thuật ngữ vật quyền, trái quyền, hành vi dân sự, thời hiệu kế thừa…”. ĐB Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh, triết lý quan trọng nhất là phải căn cứ vào tổng kết thực tiễn, cái gì vướng mắc thì sửa. Một số khái niệm mà dân ta đã quen sử dụng từ trước đến nay, thực tiễn triển khai không vướng mắc gì như quyền sở hữu cá nhân, giao dịch dân sự… nay lại đưa ra sửa đổi thành những thuật ngữ như vật quyền, trái quyền, hành vi dân sự… là không cần thiết. 

Chung quan điểm, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho rằng, Bộ luật Dân sự là bộ luật gốc, chỉ sau Hiến pháp, lại là bộ luật liên quan trực tiếp đến dân, do đó phải thực sự gần dân, cả trong cách dùng các thuật ngữ lẫn quy định cụ thể. Đồng thời, việc sửa đổi phải hướng đến đảm bảo tối đa lợi ích cho dân trong mối tương quan với lợi ích chung của Nhà nước. ĐB Đỗ Kim Tuyến đồng tình với quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự do chưa có điều luật để áp dụng xét xử, để đảm bảo quyền lợi cho dân. 

Vấn đề sở hữu tài sản cũng là một nội dung được các ĐBQH dành nhiều thời gian thảo luận. Dự thảo đề xuất 2 phương án quy định về hình thức sở hữu. Phương án 1: Xác định 3 hình thức sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Phương án 2: Xác định 2 hình thức sở hữu riêng và sở hữu chung. ĐB Nguyễn Đình Quyền cho rằng, chỉ nên quy định 2 hình thức là sở hữu chung và sở hữu riêng, trong đó sở hữu toàn dân chính là sở hữu chung, sở hữu lớn nhất, do Nhà nước là đại diện. Nhiều ĐB khác lại tán thành phương án để 3 hình thức sở hữu và cho rằng, quy định 2 hình thức sở hữu không thể hiện được đầy đủ tính chất “nhiều hình thức sở hữu” của nền kinh tế nhiều thành phần và không bao quát hết các quy định cụ thể về sở hữu trong Hiến pháp.

Ngoài ra, các ĐB cũng góp ý về việc sửa đổi Bộ luật Dân sự phải theo hướng đây là bộ luật gốc, có sự thống nhất với các luật chuyên ngành, trong đó Bộ luật Dân sự là nền tảng, đưa ra các nguyên tắc chung và các luật chuyên ngành phải tuân thủ.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; dự án Luật Thú y. Các ĐB cơ bản nhất trí phải ban hành 2 Luật này nhưng đề nghị cần làm rõ một số khái niệm, nội dung quy định và cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương liên quan được quy định trong luật. Với dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà đề nghị, nên có một cơ quan quản lý thống nhất vùng bờ biển trên cả nước. Đây cũng là quan điểm được nhiều ĐB chia sẻ bởi hiện nay, nhiều địa phương “phân khúc” một số đoạn bờ biển để giao cho các nhà đầu tư quản lý. 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Đừng để bộ luật cứ 10 năm lại sửa

“Cơ quan soạn thảo mong muốn huy động được trí tuệ của Quốc hội, với tham vọng không để bộ luật lớn, quan trọng này cứ 10 năm lại sửa 1 lần. 
Chúng ta có Bộ luật Dân sự năm 1995, đến năm 2005 bộ luật được sửa đổi hoàn toàn. Lần này lại tiếp tục sửa đổi hoàn toàn. Vậy thì môi trường pháp lý, đầu tư kinh doanh, cuộc sống của người dân đều bị đảo lộn. Có người nói với tôi thà sai lầm trong 1/4 thế kỷ còn hơn sai lầm trong nhiều thế kỷ nữa. Chẳng hạn việc chúng ta đưa vào luật những thuật ngữ như vật quyền, trái quyền, hành vi pháp lý… hiện các nước tiên tiến mà chúng ta tham khảo cũng đều dùng các thuật ngữ này nên sẽ phù hợp hơn khi hội nhập quốc tế. 

Có ĐB nói rất đúng là cuộc sống phải đẻ ra luật, không có luật thì loạn mất. Nhưng trong lĩnh vực dân sự, luật càng ít thì khoảng không tự do của con người càng nhiều. Luật càng nhiều, càng cụ thể thì càng bó buộc sự tự do của con người. Cái gì luật không cấm thì để cho xã hội làm, dân làm”.