Bỏ lỡ cơ hội du học và việc làm

ANTĐ - Trong khi nhận định của các trường THPT ở Hà Nội đến thời điểm này cho thấy khối C gần như bị loại khỏi mục tiêu thi ĐH của các thí sinh thì các chuyên gia tuyển sinh khối xã hội lại đưa ra nhận định nên có cái nhìn kỹ lưỡng để tận dụng không ít cơ hội du học và việc làm với những ngành này.

Thí sinh cần cân nhắc kỹ trước thời hạn đăng ký dự thi vào các khối ngành ĐH


Chuyên Văn cũng bỏ khối C

Ông Nguyễn Đức Hải, Hiệu trưởng trường THPT Cầu Giấy cho biết, 3 năm gần đây trường không có học sinh lớp 12 nào đăng ký dự thi khối C. Ngay cả với những thí sinh được đào tạo trong môi trường “gà nòi” như chuyên Văn trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam thì thí sinh lựa chọn thi khối C cũng rơi vào thiểu số với duy nhất một học sinh chọn. Toàn bộ số học sinh còn lại, ngoài du học đều chọn thi vào các ngành học khối D như tài chính, ngân hàng, kinh tế... Chuyên Sử trường THPT Chu Văn An cũng chỉ là chỗ “trú chân” cho các học sinh để được hưởng môi trường đào tạo chuyên còn lại đa số đã nhanh chân học thêm ngoại ngữ để tìm cơ hội với khối D. Thậm chí một học sinh lớp chuyên Sử của trường Chu Văn An cho biết, dù được chọn vào đội tuyển đi thi quốc gia nhưng em và gia đình đã từ chối mặc dù sẽ được vào thẳng đại học. Lý do là em không chọn học ngành liên quan đến bộ môn này mà muốn thử sức ở các ngành đào tạo về kinh tế, tài chính, ngoại giao...

Thống kê sau kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2011 cho thấy, tỷ lệ thí sinh đăng ký vào khối ngành khoa học xã hội và nhân văn sa sút nghiêm trọng với tỷ lệ chỉ khoảng 4% thí sinh đăng ký, trong khi đó khối kinh tế-tài chính lên tới gần 40%. “Sẽ có nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn thuộc khu vực các cơ quan nghiên cứu của Nhà nước cần nguồn nhân lực nhưng không đủ đáp ứng” - TS. Nguyễn Trường Giang, Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính lo ngại về sự mất cân đối ngành nghề trong tương lai.

Nên tận dụng cơ hội 

Trước sự ngoảnh mặt của thí sinh với khối xã hội và nhân văn, các chuyên gia tuyển sinh trong lĩnh lực này lại đưa ra những phân tích hấp dẫn về cơ hội du học đúng ngành nghề cho sinh viên thuộc khối này. Ông Nguyễn Phúc Anh - Bộ môn Hán Nôm, Khoa Văn trường ĐH KHXH&NV cho biết, thực tế ngành Hán Nôm thuộc khoa văn học là một ngành kén người học nhưng đây lại là nền tảng rất tốt để sinh viên Hán Nôm có thể học thêm các ngôn ngữ khác như tiếng Nhật, tiếng Hàn. Sau khi ra trường hầu hết sinh viên của ngành Hán Nôm đều có khả năng sử dụng được tốt ngoại ngữ là tiếng Trung và chữ Hán Nôm. Cũng chính vì vậy mà theo ông Nguyễn Phúc Anh, một số lượng lớn sinh viên Hán Nôm sau khi ra trường nhờ có ngoại ngữ tiếng Trung rất mạnh nên có nhiều cơ hội đi du học ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp. 

Không thiếu những công việc đa dạng

TS. Bùi Thành Nam - Phó Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học, ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, theo khảo sát mới nhất về cơ hội việc làm khối khoa học xã hội và nhân văn thì sinh viên thì khoa Quốc tế học và Đông phương học nằm trong nhóm dẫn đầu về thu nhập sau khi ra trường. Có thể khẳng định sinh viên Khoa Quốc tế học luôn tìm được công việc sau khi tốt nghiệp ra trường. Đối với sinh viên tốt nghiệp Khoa Quốc tế học có thể ra làm ở các tổ chức phi Chính phủ, các vị trí biên tập báo, truyền hình, các viện nghiên cứu, các bộ phận hợp tác quốc tế, đối ngoại của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp…

Với lợi thế của nhóm ngành xã hội nói chung là sinh viên có tố chất và có thời lượng học ngoại ngữ lớn. Đó là yếu tố giúp họ có thêm cơ hội việc làm sau khi ra trường. TS. Phạm  Thu Giang, Khoa Đông phương học cho biết, thời lượng học ngoại ngữ của Khoa Đông phương học rất lớn, chiếm tới 40% thời lượng chương trình. Hiện nay khoa có 5 bộ môn như sau: Hàn Quốc học, Trung Quốc học, Ấn Độ học, Nhật Bản, Đông 

Nam Á và Australia.  Sinh viên  tốt nghiệp các ngành này có thể làm tại các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp trong và  ngoài nước, các tổ chức quốc có liên quan đến ngoại ngữ hay chuyên ngành đã học...