Bộ Giao thông xin dừng "lên đời" 2 quốc lộ thành cao tốc

ANTD.VN - Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dừng 2 dự án nâng cấp quốc lộ lên cao tốc, là Chợ Mới-Bắc Kạn và QL3 mới Hà Nội-Thái Nguyên.

Tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện QL3 mới, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên đáp ứng quy mô cao tốc theo hình thức BOT đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc đầu tư tại văn bản số 1501/TTg-KTN ngày 24-8-2015.

Ngày 25-3-2016, Bộ GTVT đã ký thỏa thuận giao cho nhà đầu tư đề xuất dự án là Liên danh Công ty CP Việt Xuân Mới - Công ty TNHH Sản xuất TM dịch vụ Yên Khánh -Công ty CP Đầu tư xây lắp Dầu khí IMICO lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định.

Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu các phương án đầu tư dự án.

Ngoài ra, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ các phương án đầu tư, xin chủ trương điều chỉnh phạm vi Dự án để đầu tư thêm đoạn tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn.

Tuyến QL3 mới Hà Nội- Thái Nguyên đã đi vào khai thác từ 2014 ở mức tiền cao tốc

Tuy nhiên, căn cứ vào một số quy định mới đây, Bộ GTVT nhận thấy, đoạn đường cao tốc từ Chợ Mới -Bắc Kạn đầu tư theo hình thức BOT không thể khả thi về phương án tài chính (nguồn thu phí không đủ chi phí trả lãi vay, vận hành và bảo trì).

Việc ghép đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn vào dự án Dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện QL3 mới, đoạn Hà Nội -Thái Nguyên dẫn đến không đảm bảo công bằng cho người sử dụng (đầu tư một nơi và thu phí một nơi).

Đối với dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện QL3 mới, đoạn Hà Nội- Thái Nguyên: Đây là dự án được đầu tư từ nguồn vốn ODA đã đưa vào khai thác. Việc hoàn thiện theo tiêu chuẩn cao tốc và tiến hành thu phí đối với tuyến đường hiện hữu được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách là chưa phù hợp.

Trong dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị chỉ mới đề nghị Bộ Chính trị xem xét chấp thuận chủ trương cho thu phí một số tuyến đường đầu tư từ nguồn vốn ODA. 

Do những lý do nêu trên, để đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các chỉ đạo của Quốc hội, của Chính phủ, Bộ GTVT kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, cho phép dừng triển khai dự án đầu tư xây dựng hoàn thiện QL3 mới, đoạn Hà Nội- Thái Nguyên và Dự án đầu tư xây dựng đoạn Chợ Mới – Bắc Kạn theo hình thức BOT.

Xem xét ưu tiên bố trí từ nguồn dự phòng vốn ngân sách Nhà nước trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để trả nợ đọng xây dựng cơ bản của dự án xây dựng QL3 mới đoạn Hà Nội -Thái Nguyên đã thực hiện xong.

Dự án xây dựng QL3 mới, đoạn Hà Nội-Thái Nguyên được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, đã thông xe vào ngày 18-11-2014.

Được biết, kinh phí còn thiếu nằm trong hợp đồng xây lắp phải trả nợ cho nhà thầu là khoảng 600 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế VAT). Liên danh nhà thầu gồm Công ty CP Việt Xuân Mới, Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ Yên Khách và Công ty CP Đầu tư xây lắp dầu khí IMICO đã xin đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục của dự án QL3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên đáp ứng quy mô cao tốc, nâng tốc độ khai thác trên toàn tuyến này lên 100 - 120km/giờ, đồng thời thanh toán nợ cho các nhà thầu xây lắp do nguồn vốn thiếu trong quá trình thực hiện dự án. Tổng mức đầu tư dự kiến là 3.258 tỷ đồng.

Còn đối với dự án BOT Chợ Mới- Bắc Kạn, năm 2017, Bộ KH-ĐT và các bộ ngành đã cho rằng, cao tốc này nằm ngoài quy hoạch, đồng thời yêu cầu Bộ GTVT phải giải trình.

Cũng tại thời điểm này, Bộ GTVT đã đề xuất hai phương án đầu tư đối với đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn.

Thứ nhất, nhà đầu tư bỏ vốn để đầu tư dự án QL3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên đảm bảo tốc độ khai thác 120 km/h (chưa đầu tư hệ thống ITS, cảnh quan cây xanh) và đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn theo quy mô tương tự đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới đang thực hiện đầu tư, thanh toán nợ các nhà thầu khoảng 602 tỷ đồng.

Thứ hai, nhà đầu tư bỏ vốn để đầu tư dự án QL3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên đảm bảo tốc độ khai thác 120 km/h (chưa đầu tư ITS, cảnh quan cây xanh) và đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn theo quy mô tương tự đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới đang thực hiện đầu tư, thanh toán nợ các nhà thầu khoảng 602 tỷ đồng; thanh toán cho Nhà nước theo tiến độ một khoản kinh phí để đầu tư đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn.

Đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn sẽ được lập thành dự án riêng, thực hiện quản lý đầu tư như đối với dự án đầu tư công.