Bộ Giao thông “lắc đầu” với đề xuất cơ chế ưu đãi làm cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Bộ GTVT cho biết, Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh nói riêng và các dự án đường bộ cao tốc đang triển khai khi chuẩn bị đầu tư vẫn phải tuân thủ các quy định hiện hành.

Mọi dự án cao tốc đều phải tuân thủ luật

Bộ GTVT vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về kiến nghị được áp dụng một số cơ chế thực hiện dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh của UBND tỉnh Cao Bằng.

Bộ GTVT cho biết, các đề xuất của UBND tỉnh Cao Bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và thu hút nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước tham gia dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có thẩm quyền quyết định thuộc các cấp khác nhau.

Vì vậy, để có thể triển khai thực hiện, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng bổ sung các luận chứng, đánh giá tác động của các đề xuất làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngoài ra, Bộ GTVT khẳng định do Đề án “Thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030” đang được các cơ quan liên quan xem xét, rà soát để hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền chấp thuận. Do đó, các nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù tại Đề án này chưa đủ cơ sở để áp dụng.

Tỉnh Cao Bằng xin nhiều cơ chế ưu đãi để triển khai cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh

Tỉnh Cao Bằng xin nhiều cơ chế ưu đãi để triển khai cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh

“Về nguyên tắc, dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh nói riêng và các dự án đường bộ cao tốc đang triển khai khi chuẩn bị đầu tư vẫn phải tuân thủ các quy định hiện hành”, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.

Đối với đề xuất của UBND tỉnh Cao Bằng về việc tách phần giải phóng mặt bằng (khoảng 1.000 tỷ đồng) thành dự án độc lập, sử dụng vốn ngân sách địa phương và không tính vào tổng vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Bộ GTVT cho rằng, hiện nay, Luật PPP không có quy định tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập.

Bên cạnh đó, theo luật PPP quy định về vốn Nhà nước được sử dụng cho các mục đích: Hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP; thanh toán cho doanh nghiệp dự án PPP cung cấp sản phẩm, dịch vụ công; chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm; chi trả phần giảm doanh thu; chi phí của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng, đơn vị chuẩn bị dự án PPP, bên mời thầu để thực hiện các hoạt động thuộc nhiệm vụ của mình quy định tại Điều 11 của Luật này; chi phí của Hội đồng thẩm định dự án PPP, đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định dự án PPP.

Do vậy, Bộ GTVT cho rằng, việc chi trả kinh phí giải phóng mặt bằng là một phần của vốn ngân sách Nhà nước. Bởi vậy, đề xuất không tính phần vốn này vào tổng vốn ngân sách nhà nước tham gia vào d án thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Cao Bằng xin được toàn quyền chuyển đổi đất rừng

Vào tháng 6/2021, UBND tỉnh Cao Bằng đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất áp dụng một số cơ chế thực hiện dự án cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng); giải ngân vốn đầu tư công; phát triển kinh tế xã hội.

Theo đó, UBND tỉnh Cao Bằng kiến nghị Thủ tướng ủy quyền cho tỉnh được tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Tại công văn này, tỉnh Cao Bằng cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép tách phần giải phóng mặt bằng (khoảng 1.000 tỷ đồng) thành dự án độc lập, sử dụng vốn ngân sách địa phương và không tính vào tổng vốn ngân sách Nhà nước tham gia vào dự án.

Phần vốn ngân sách địa phương tham gia để giải phóng mặt bằng: đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ tỉnh Cao Bằng vay lại từ nguồn trái phiếu chính phủ cho phần giải phóng mặt bằng, do tỉnh Cao Bằng còn nhiều khó khăn, khả năng phát hành trái phiếu địa phương còn nhiều hạn chế.

Để hỗ trợ việc huy động vốn tín dụng dự án, UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất Thủ tướng cho phép phần vốn huy động của nhà đầu tư được vay trong gói tín dụng ưu đãi do Chính phủ hình thành để cung cấp vốn tín dụng cho Đề án thực hiện xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Cùng với các kiến nghị trên, để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, thu hút nhà đầu tư và phát huy hiệu quả đầu tư, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phân cấp, giao quyền cho địa phương trong việc chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp... thuộc phạm vi tuyến cao tốc đi qua đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo chủ trương đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án PPP cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 115 km, tổng mức đầu tư 20.000 tỷ đồng, trong đó đoạn qua Lạng Sơn dài 52 km; đoạn đi qua Cao Bằng dài 63 km.