Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong phiên họp sáng 25-3, Quốc hội nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, trong đó có quy định liên quan đến việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học của Bộ GD&ĐT.

Báo cáo nêu rõ, thông qua 1.050 cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 1.907 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 1.870 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 98,1%.

Đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 58/58 kiến nghị, đạt 100%. Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã tiếp nhận 1.807 kiến nghị của cử tri, đã giải quyết, trả lời 1.773 kiến nghị, đạt 98,1%.

"Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện vẫn còn một số quy định của pháp luật chưa thống nhất; có quy định còn chưa phù hợp với thực tế, nhiều ý kiến cử tri không đồng tình" - Báo cáo nhấn mạnh.

Về việc sử dụng điện thoại di động trong lớp học, tại Thông tư số 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định về các hành vi học sinh không được làm: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Ngay sau khi Thông tư số 32 được ban hành, cử tri 8 địa phương đã kiến nghị cần xem xét, sửa đổi vì không phù hợp với thực tiễn. Trả lời cử tri, Bộ GD&ĐT cho rằng về cơ bản, việc sử dụng điện thoại trong lớp học vẫn là hành vi bị cấm. Việc sử dụng điện thoại trong lớp học với mục đích học tập của học sinh là khai thác các lợi thế kết nối của các thiết bị thông minh góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học.

Qua giám sát cho thấy, Bộ GD&ĐT giao cho giáo viên quyền quyết định việc cho phép hoặc không cho phép học sinh sử dụng điện thoại. Như vậy, sẽ xảy ra tình trạng cùng một môn học, cùng một trường có thể có giáo viên quyết định cho sử dụng điện thoại, có giáo viên không cho sử dụng, điều này sẽ không đảm bảo sự thống nhất về phương thức giảng dạy.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Bộ GD&ĐT cần làm rõ việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học như là thiết bị hỗ trợ hoạt động học tập có được coi là chính sách chung? Nếu có thì phải áp dụng thống nhất trong cả nước, không thể chỉ giao trách nhiệm quyết định cho giáo viên.

Bộ GD&ĐT cần làm rõ việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học (ảnh minh họa)

Bộ GD&ĐT cần làm rõ việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, một số kiến nghị cử tri qua nhiều kỳ họp mặc dù đã được các Bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm nên cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị

Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc xem xét, giải quyết các kiến nghị có nội dung liên ngành, liên lĩnh vực vẫn còn chậm. Vẫn còn tình trạng không thống nhất về quan điểm giữa Bộ, ngành trong việc thực hiện quy định của pháp luật

Cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị sớm có văn bản hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ.

Trả lời cử tri, quan điểm của Bộ Tư pháp và TAND chưa thống nhất. Bộ Tư pháp cho rằng, hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vật liệu nổ hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ với bất kỳ số lượng nào đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong khi đó, TANDTC lại trả lời trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể tham khảo hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 01 trong đó có quy định cụ thể về số lượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện các hành vi nêu trên. Tuy nhiên, thông tư 01 đã hết hiệu lực thi hành.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ” quy định tại Điều 305 của Bộ luật Hình sự.