Bộ Giáo dục lên tiếng về đề xuất cải tiến tiếng Việt của PGS Bùi Hiền

ANTD.VN - Tranh luận gay gắt về cải tiếng tiếng Việt vẫn tiếp tục bùng nổ mặc dù nhiều chuyên gia ngôn ngữ đã lên tiếng. Vậy Bộ GD-ĐT có ủng hộ hay không xem xét đề xuất này?

PGS.TS Bùi Hiền đã xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng giải thích về công trình nghiên cứu cải tiến chữ Quốc ngữ của mình cũng như hàng loạt các chuyên gia ngôn ngữ lên tiếng phát biểu.

Tuy nhiên, dư luận vẫn sôi sục xung quanh các phát ngôn này khiến ngày càng nhiều người lo ngại sẽ lại xảy ra “cải cách giáo dục” như trước đây.

Dù đã giải thích, đề xuất của PGS Bùi Hiền vẫn chưa chiếm được sự đồng tình của dư luận

Trước vấn đề này, Bộ GD-ĐT không thể im lặng, không đưa ra quan điểm. Ngày 30-11, ý kiến chính thức từ Bộ GD-ĐT khẳng định, Bộ trân trọng tất cả các công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của các nhà khoa học.

Tuy nhiên, để đưa một đề xuất liên quan đến vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế, cần có sự thẩm định của các chuyên gia, ý kiến của các tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ.

Bộ GD-ĐT không đủ thẩm quyền và không có dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt được PGS-TS Bùi Hiền đưa ra tại hội thảo "Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và phát triển", do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và ĐH Quy Nhơn tổ chức tại Quy Nhơn hồi tháng 9-2017.

Sau khi được đăng tải trên cơ quan ngôn luận, PGS Bùi Hiền đã nhận được nhiều ý kiến “ném đá” nặng nề.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng đây là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, cần được tôn trọng.

Cùng với đó, giới trẻ cũng đang hứng thú với cơ hội sử dụng “teencode” có nhiều điểm gần giống với đề xuất của PGS Bùi Hiền. Thậm chí, lập trình viên Phan An, một người Việt đang sinh sống và làm việc tại Đức đã cho ra mắt bộ công cụ giúp người dùng phiên dịch từ ngôn ngữ Tiếng Việt sang Tiếq Việt kiểu mới.