Bộ GD-ĐT hứa ngăn chặn lạm thu tiền trường

ANTĐ - Tại cuộc họp báo ngày 20-10, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã trả lời hàng loạt các vấn đề giáo dục đang được người dân quan tâm như: biện pháp xử lý dạy thêm, học thêm, ngăn chặn lạm thu hay đưa Lịch sử thành môn tự chọn thay vì bắt buộc…

Bộ GD-ĐT hứa ngăn chặn lạm thu tiền trường ảnh 1Học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày thì không cần học thêm

Trước phản ánh của cử tri và nhân dân về tình trạng dạy thêm, học thêm còn diễn ra phổ biến, nhất là ở các đô thị, thành phố lớn, Thứ trưởng Bộ  GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, việc ngăn chặn tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan không thể chỉ trông chờ vào các biện pháp hành chính mà cần nhiều giải pháp khác đi kèm. Trong đó, với bậc tiểu học, học sinh đã học 2 buổi/ngày thì chắc chắn không phải học thêm nữa.

Sở dĩ nói như vậy là bởi chất lượng giáo dục hiện nay không chỉ tập trung vào môn Toán, Tiếng Việt. Giáo dục hướng tới toàn diện, không chỉ yêu cầu trang bị kiến thức mà còn đòi hỏi phát triển năng lực tư duy, kỹ năng sống… Phụ huynh cần nắm được những đổi mới  này để thay đổi quan niệm chỉ cho con học thêm các môn văn hóa nhằm đối phó thi cử. Bộ GD-ĐT cũng đang thay đổi về cách đánh giá học sinh cũng như hình thức tổ chức thi cử và đây là giải pháp tích cực, lâu dài để giải quyết tình trạng dạy thêm, học thêm.

Về tình trạng lạm thu, ông Bùi Hồng Quang, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT cho biết, từ năm 2010, Bộ liên tục có văn bản chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật để quy định, chấn chỉnh thu chi đầu năm học. Thậm chí 2 năm gần đây, các quy định này còn được đưa vào trong chỉ thị năm học. Tuy nhiên, công tác kiểm tra ở địa phương chưa sâu sát nên nhiều trường vẫn lạm thu, đặc biệt là các thành phố, đô thị lớn. Bộ sẽ rà soát, xem xét sửa lại điều lệ cha mẹ học sinh để nâng cao vai trò của phụ huynh trong hoạt động nhà trường. Bên cạnh đó, các nhóm công tác cũng sẽ thu thập thông tin bước đầu đối với tình trạng lạm thu để xử lý.

Về việc đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn theo Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển giải thích, dự thảo hiện đưa ra môn Công dân với Tổ quốc là một trong 4 môn bắt buộc ở THPT. Môn này là tích hợp của 3 môn: Đạo đức - Công dân, Lịch sử và Quốc phòng - An ninh.. Như vậy môn Lịch sử riêng biệt không còn tồn tại trong hệ thống các môn học bắt buộc.