"Bó đũa" ASEAN trong vấn đề Biển Đông

ANTD.VN - ASEAN với sự đoàn kết và đồng thuận của tất cả các quốc gia thành viên luôn giữ vai trò trung tâm trong việc giải quyết các thách thức chung với khu vực, trong đó có việc xử lý những căng thẳng xảy ra trên Biển Đông.

"Bó đũa" ASEAN trong vấn đề Biển Đông ảnh 1Các Ngoại trưởng ASEAN cùng Thủ tướng nước chủ nhà Thái Lan Prayuth Chan-ocha tại Lễ khai mạc Hội nghị AMM-52

Hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác trên Biển Đông luôn là một mối quan tâm lớn của các quốc gia thành viên ASEAN cũng như các đối tác của tổ chức khu vực thành công bậc nhất trên thế giới này. Mối quan tâm này càng cấp bách hơn khi Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác (PMC+) diễn ra từ ngày 30-7 đến ngày 3-8-2019 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng một cách đáng lo ngại trên Biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt kể từ khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Những hành vi hung hăng và gây hấn của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa đòi hỏi chủ quyền phi lý đối với 80% diện tích Biển Đông theo yêu sách “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò 9 đoạn”) không chỉ đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh trên vùng biển có vị trí địa - chính trị trọng yếu toàn cầu này mà còn trực tiếp đe dọa chủ quyền của các quốc gia thành viên ASEAN tiếp giáp với Biển Đông. Trung Quốc thời gian qua đã dùng sức mạnh cưỡng chiếm những hòn đảo, thực thể trên Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam và Philippines.

Trung Quốc với sức mạnh quân sự và kinh tế áp đảo của mình một mặt “bắt nạt” những quốc gia thành viên ASEAN để thực hiện việc cưỡng chiếm những hòn đảo, thực thể trên Biển Đông, một mặt tìm cách tác động, “phủ bóng” lên các thành viên khác trong Hiệp hội. Có Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN từng không ra được Tuyên bố chung, một văn kiện gần như buộc phải có sau mỗi hội nghị Ngoại trưởng của Hiệp hội để ghi nhận những kết quả đã bàn thảo và quyết định, do không tìm được tiếng nói chung trong việc nhìn nhận và xử lý căng thẳng trên Biển Đông do các hành động của Trung Quốc gây ra.

Tuy nhiên, nếu nhìn xuyên suốt tiến trình hợp tác của Hiệp hội, đặc biệt từ khi ASEAN bao gồm 10 quốc gia khu vực tới nay, ASEAN đã đoàn kết, nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận để có tiếng nói chung trong vấn đề phức tạp và khó khăn, trong đó có vấn đề Biển Đông. Sức mạnh đồng thuận và đoàn kết đã tạo nên “bó đũa” ASEAN luôn giữ vai trò trung tâm trong giải quyết các vấn đề liên quan tới hòa bình, an ninh và hợp tác trong khu vực cũng như trong quan hệ giữa hiệp hội với các nước đối tác là những cường quốc hàng đầu ở khu vực cũng như trên toàn cầu.

"Bó đũa" ASEAN trong vấn đề Biển Đông ảnh 2Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc

Trong các cơ chế hàng đầu xem xét và giải quyết các vấn đề an ninh khu vực như Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF) hay Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)… luôn giữ vai trò trung tâm điều phối. Những sáng kiến, thỏa thuận đa phương đạt được thời gian qua trong những cơ chế đối thoại này trong các vấn đề an ninh của khu vực, trong đó có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) đang được hoàn tất, đã khẳng định vai trò trụ cột không thể thiếu của ASEAN.

Sự đoàn kết và đồng lòng của ASEAN trong việc xử lý vấn đề căng thẳng trên Biển Đông được xây đắp trên nền tảng chuẩn mực luật pháp quốc tế cũng như trách nhiệm đối với hòa bình, ổn định và an ninh khu vực cũng như thế giới. Đó là những tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. 

Quan điểm thống nhất trên của ASEAN cũng là lập trường chung trên thế giới hiện nay cũng như tuyệt đại các cường quốc toàn cầu khi ngồi lại bàn thảo và xử lý những căng thẳng ở Biển Đông. Rõ ràng, một khi ASEAN đoàn kết để đồng thuận đưa ra lập trường đã giúp cho hiệp hội có tiếng nói đầy trọng lượng và vai trò trung tâm ở một khu vực địa - chính trị quan trọng hàng đầu trên toàn cầu.