Bố đẻ thuê người bắt giữ, áp giải con gái về quê, bố có phạm tội không?

ANTĐ - Trưa 29-3, đường dây nóng của Phòng CSGT - CA tỉnh Hà Tĩnh nhận được điện thoại của một người dân khẩn thiết nhờ lực lượng CSGT giải cứu cô gái tên là C.T.Q. (SN 1996) trú tại thị trấn Chư Sê (Gia Lai) đang bị 3 đối tượng áp giải ra Bắc trên chiếc taxi không rõ biển số. Nhận tin báo, một tổ công tác đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông trên QL1A được chỉ đạo phải bằng mọi cách phát hiện được chiếc xe taxi, đồng thời giải cứu được cô gái khỏi nhóm người đang áp giải.

Bố đẻ thuê người bắt giữ, áp giải con gái về quê, bố có phạm tội không? ảnh 1

Tuy nhiên, đến 11h trưa ngày 29-3, Phòng CSGT đã nhận được cuộc gọi báo tin rằng, cô gái này đã được chuyển sang một xe khách không rõ biển số ở địa phận Thừa Thiên - Huế. Đồng thời, người thông tin đã gửi lại bức ảnh cô gái để dễ dàng nhận diện khi giải cứu.

Đến khoảng 16h45’ cùng ngày, khi ra hiệu chiếc xe khách mang BKS 90B - 00161 để kiểm tra, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đã phát hiện một cô gái ngồi ở hàng ghế thứ hai giống hình ảnh cô gái được cung cấp qua điện thoại. Đội tuần tra kiểm soát phía Nam Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh đã tiến hành xác nhận danh tính cô gái đồng thời áp giải xe khách trên về trụ sở Phòng CSGT Hà Tĩnh để điều tra, làm rõ vụ việc. Tại CQĐT, 3 đối tượng là Lê Văn Đông (SN 1980), Trần Trung Kiên (SN 1979), Chu Thanh Minh (SN 1976) khai nhận được ông Chu Thanh Hưng, là bố đẻ của em Q thuê áp giải em Q ra Bắc nhằm ngăn cấm chuyện tình cảm của con gái. Theo Q, em đã đăng ký kết hôn với người em yêu, nhưng gia đình không đồng ý, vì vậy, bố Q đã thuê người bắt em về quê để ngăn cản hôn nhân của em. 

Nhận thấy tính chất của vụ việc có thể có dấu hiệu phạm tội, Phòng CSGT Công an Hà Tĩnh đã lập biên bản chuyển vụ việc sang Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội  để điều tra, xử lý. Vụ án đang được mở rộng điều tra.

Vấn đề cần trao đổi là bố em Q và các nghi can trực tiếp bắt giữ, áp tải em Q ra Bắc có phạm tội không? Nếu có, phạm tội theo tội danh nào? Bị xử lý ra sao?

Bố em Q phạm tội Cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ

Theo nội dung vụ án, em Q đã yêu và tự nguyện kết hôn với người mà em yêu. Quan hệ hôn nhân của em là hợp pháp và tiến bộ, không ai được quyền ngăn cản. Bố em Q có quyền góp ý với em nhưng không có quyền ngăn cản, nhất lại là ngăn cản bằng bạo lực, bắt cóc em về quê. Theo điều 146 Bộ luật Hình sự: Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của người đó, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác thì phạm tội Cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ. Trong vụ án này, em Q và người yêu đã đăng ký kết hôn, như vậy em và người yêu em đã là vợ chồng. Hành vi của ông bố em Q là hành vi cản trở việc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện tiến bộ bằng thủ đoạn bắt cóc em xa chồng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật cần bị truy tố theo điều 146 BLHS với mức phạt tù cao nhất đến 3 năm.

Nguyễn Thúy Nga (Đường Hùng Vương, TP Việt Trì, Phú Thọ)

Các nghi can đã bắt giữ người trái pháp luật

Điều 123 Bộ luật Hình sự có quy định về tội bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật.  Theo điều luật này, có ba hành vi phạm tội: bắt người trái pháp luật; giữ người trái pháp luật; giam người trái pháp luật. Trong vụ án này, bố em Q và ba nghi can Đông, Minh, Kiên không phải là người có thẩm quyền bắt giữ em Q, em Q cũng không phạm tội để các nghi can bắt quả tang, vì vậy có thể khẳng định: các nghi can đã bắt, giữ hoặc giam người không đúng căn cứ, thẩm quyền và thủ tục do pháp luật quy định. Ở đây, các nghi can vừa bắt giữ em Q vừa áp giải đi ra Bắc là hành vi giam giữ em trên các phương tiện giao thông. Như vậy, hành vi của các nghi can là vừa bắt vừa giam. Đây là hành vi phạm tội có tổ chức, vì vậy, bố em Q và các nghi can đã có thể bị truy tố theo khoản 2 điều 123 BLHS với mức phạt cao nhất đến 5 năm tù.

Nguyễn Huy Cường (Tổng Công ty Lũng Lô, Bộ Quốc Phòng)

Bố em Q đã phạm tội Hành hạ người khác

Trong quan hệ cha đẻ, con đẻ, em Q có sự lệ thuộc vào bố. Đó chính là căn cứ để xem xét việc bố em Q cho người bắt em Q về quê. Việc thuê 3 người đàn ông bắt giữ, đưa em Q về quê, bắt em Q xa chồng mới kết hôn là hành vi hành hạ em Q. Hành vi này có thể bị truy tố theo tội ngăn cản kết hôn hoặc duy trì tình trạng hôn nhân tự nguyện tiến bộ, nhưng ở đây, chưa có căn cứ để xác định bố em Q bắt em Q về quê để ngăn cản việc kết hôn, vì vậy chưa thể xác định tội danh này cho bố em Q và nghi can. Khi bắt em Q về quê, các nghi can không sử dụng bạo lực, chưa có căn cứ để nói các nghi can đã bắt em Q, hoặc giam giữ em Q. Các nghi can chỉ nói yêu cầu của bố em và em đồng ý theo các anh về quê. Nếu em Q. bị bắt cóc, trên đường đi, trên các phương tiện công cộng, em Q có thể hô hoán, nhờ người giúp sức để giải thoát. Ở đây, không có chuyện như vậy. Vì vậy theo chúng tôi, bố em Q chỉ phạm tội hành hạ người khác, không phạm tội bắt hoặc giam giữ người khác trái pháp luật. Bố em Q là người tổ chức, còn 3 nghi can là người trực tiếp phạm tội. Tất cả sẽ bị truy tố theo điều 110 BLHS, tội danh hành hạ người khác. Điều luật này có nội dung: Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 

Nguyễn Minh Luân (Phố Phủ, Bình Giang, Hải Dương)

Bình luận của luật sư

Xem xét kỹ nội dung vụ án, chúng ta thấy những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã có đủ căn cứ là hành vi bắt em Q về Bắc không đúng ý nguyện của em Q. Điều này đã được xác định trong các lời khai của các nghi can và em Q. Các nghi can đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như đổi xe khách, đổi tuyến đi, giờ đi để tránh bị phát hiện, tránh việc em Q bỏ trốn. Về các mục đích của việc bắt em Q ra Bắc, khi điều tra mở rộng vụ án sẽ cho chúng ta kết luận. Tuy nhiên những hành vi như kể trên đã có dấu hiệu của một vụ bắt giữ người trái pháp luật.

Quyền bất khả xâm phạm về thân thể là một trong những quyền tự do cá nhân rất quan trọng của công dân. Trên cơ sở này, Điều 71 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001) đã quy định: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật”. Từ các quy định của pháp luật quốc tế và của Hiến pháp, vấn đề bắt, giữ hoặc giam người được Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 (BLTTHS) cụ thể hoá bằng nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự Việt Nam - nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân (Điều 6) và hàng loạt các quy định chặt chẽ về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục áp dụng các biện pháp bắt, giữ hoặc giam người. Ngoài ra, dưới góc độ pháp lý, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính cũng được quy định chặt chẽ trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (PLXLVPHC) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, bất kỳ người nào xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân thông qua hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì tuỳ theo tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đều phải bị xử lý bằng chế tài hành chính hay chế tài hình sự.

Điều 123 BLHS, tội danh bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật, quy định ba hành vi phạm tội: bắt người trái pháp luật; giữ người trái pháp luật; giam người trái pháp luật. Theo Đại Từ điển Tiếng Việt, “Bắt là nắm giữ lấy, không cho hoạt động tự do”; “Giữ là: 1. Làm cho ở nguyên một chỗ, không có sự xê dịch; 2. Làm cho ở trạng thái ổn định, không có sự thay đổi; 3. Trông coi, bảo quản; 4. Đảm nhận”; “Giam là: 1. Giữ người có tội ở chỗ nào đó; 2. Bị ràng buộc, không cho tự do”. Trong vụ án này, những căn cứ khẳng định bắt em Q lên xe ra Bắc, về quê thỏa mãn định nghĩa: giữ người để đưa đến chỗ khác, trông coi, không cho tự do. Hành vi này là hành vi, bắt giữ và giam người khác. Ba nghi can Đông, Kiên, Minh không có thẩm quyền bắt giữ em Q. Em Q cũng không phạm tội quả tang, vì vậy, ba nghi can không có quyền bắt giữ em Q. Dưới góc độ khoa học luật hình sự Việt Nam, bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được hiểu là các hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do hoạt động, tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với những quy định của pháp luật về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục. Như vậy hành vi này là bắt giữ và giam người khác trái pháp luật.

Trong vụ án này, các nghi can từ ngoài Bắc vào tận Tây Nguyên bắt người, là hành vi cố ý phạm tội. Các nghi can đủ các điều kiện chịu trách nhiệm hình sự. Tội phạm đã được hoàn thành, em Q đã bị bắt giữ từ Tây Nguyên và được giải thoát ở Hà Tĩnh, cách xa nơi bị bắt giữ gần 1.000 km.

Lưu ý thứ nhất, tội bắt giữ hoặc giam người khác trái pháp luật chỉ xét hành vi bắt giữ hoặc giam người khác trái pháp luật với bất kỳ mục đích nào, nghĩa là việc định tội danh không phụ thuộc mục đích phạm tội. Nếu khi bắt giữ, giam người khác trái pháp luật có thêm hành vi khác ví dụ đánh đập gây thương thích, cướp tài sản... sẽ bị truy tố thêm tội danh cho các hành vi đó. Lưu ý thứ hai, trong vụ này, người phạm tội trực tiếp là ba nghi can Đông, Kiên, Minh. Ông bố em Q là người thuê mướn, đóng vai trò tổ chức là đồng phạm trong vụ bắt gữ người trái phép này. 

Các nghi can và đồng phạm có thể bị truy tố theo khoản 2 điều 123 BLHS, bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật, với mức hình phạt cáo nhất tới 5 năm tù. 

Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)