Bộ Công Thương nói gì về việc sử dụng Etylen oxit trong thực phẩm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo Bộ Công Thương, Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng Etylen oxit (EO) trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm. Song đối với sản phẩm xuất khẩu, quy định này tùy theo mỗi nước.
Một số sản phẩm mì xuất khẩu của Việt Nam bị EU cảnh báo về dư lượng EO

Một số sản phẩm mì xuất khẩu của Việt Nam bị EU cảnh báo về dư lượng EO

Trước việc một số sản phẩm của Việt Nam bị cảnh báo về dư lượng EO khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Bộ Công Thương cho hay, Việt Nam hiện chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.

Tuy vậy, việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau và phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia/khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng…

Những loại sản phẩm có nhiều cấu phần như: mì khô, gói gia vị, gói rau, gói dầu ớt… có thể được cung ứng bởi nhiều nhánh nhỏ trước khi được đóng gói trong sản phẩm cuối cùng có nguy cơ có EO.

Do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp xuất khẩu cần thường xuyên rà soát, đánh giá quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, vệ sinh nhà xưởng về mối nguy gây mất an toàn thực phẩm, doanh nghiệp cần kiểm tra định kỳ các sản phẩm và nguyên liệu, đặc biệt là các cấu phần thuê mua gia công/ sản xuất để đánh giá nguy cơ, kiểm soát nhằm giảm thiểu mức độ rủi ro;

Đồng thời làm việc với các nhà cung cấp để đảm bảo điều kiện sản xuất, bảo quản và vận chuyển nguyên vật liệu và bao bì không phát sinh mối nguy.

Theo hướng dẫn của FAO, khí EO có thể dùng để khử trùng các nhóm thực phẩm với liều lượng như sau: Hạt (hạt có vỏ): 560 (640) g/m³ trong ít nhất 3h ở 20°C; Chà là và nho khô: 640 g/m³ trong ít nhất 3h ở 20°C; Sữa bột: 720 g/m³ trong ít nhất 3h ở 20°C; Ngũ cốc, thức ăn chăn nuôi đã xay: 800 g/m³ trong ít nhất 6 giờ ở 25°C.

Ở điều kiện bình thường, EO sẽ chuyển thành dạng khí tác dụng đến côn trùng, vi sinh vật qua cơ chế gây độc hô hấp nên được sử dụng với mục đích khử trùng trong sản xuất thực phẩm.

Tại châu Âu, hợp chất này được xếp vào nhóm 1B về khả năng gây ung thư, gây đột biến, độc tính sinh sản và trong nhóm 3 về độc tính cấp. Mặc dù EU đã cấm sử dụng trong nông nghiệp và khử trùng trong quá trình sản xuất thực phẩm, nhưng vẫn phát hiện ra dư lượng EO trong thực phẩm ngay cả khi được sản xuất ở những nước trong khối EU.

Hiện nay, các nhà chức trách của EU đang tiếp tục thảo luận để tìm ra nguyên nhân của việc xuất hiện và tồn dư hợp chất này trong thực phẩm nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới cũng như được sản xuất ngay tại một số quốc gia trong khối EU.

Tại Hoa Kỳ và Canada, hai quốc gia này cho phép sử dụng EO trong khử trùng thảo mộc và rau củ khô.

Tại Australia và New Zealand, từ năm 2003, EO đã bị loại bỏ khỏi danh sách chất được sử dụng. Tuy có ghi nhận nguy cơ EO tồn tại trong sản phẩm thực phẩm nhập khẩu, Australia và New Zealand hiện không có quy định về ngưỡng giới hạn dư lượng đối với EO.

Tại Hàn Quốc, tháng 7 năm 2021, một số sản phẩm mỳ ăn liền do Hàn Quốc sản xuất bị EU cảnh báo về dư lượng EO. Qua quá trình kiểm tra, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc cho biết doanh nghiệp không sử dụng EO trong sản xuất nhưng một số sản phẩm có phát hiện thành phần 2-chloroethanol với các dư lượng EO là: 0,11 mg/kg trong hành lá khô của mì ăn liền thủy sản Nongshim xuất khẩu; 2,2 mg/kg trong gói rau bán ở thị trường nội địa; 12,1 mg/kg trong gói gia vị.

Từ vụ việc này, Hàn Quốc đã ban hành quy định tạm thời về giới hạn dư lượng cho phép đối với hợp chất 2-chloroethanol là dưới 30 mg/kg đối với thực phẩm thông thường, dưới 10 mg/kg đối với thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Trước đó, một số sản phẩm mì xuất khẩu của Việt Nam là mì tôm Hảo Hảo, miến Good và mì Vị Hương đã bị thị trường nhập khẩu cảnh báo về dư lượng EO trong một số lô sản phẩm. Về việc này, Bộ Công Thương đang xác minh thông tin. Chính phủ cũng đã có yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo vụ việc này trước này 7-9 tới.