Bộ Công Thương lý giải việc người dân vẫn khó mua khẩu trang vải kháng khuẩn

ANTD.VN - Lý giải tình trạng khan hiếm khẩu trang phòng chống Covid-19 vẫn chưa chấm dứt, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, nguyên nhân chính là cung và cầu chưa gặp được nhau.

Bộ Công Thương lý giải việc người dân vẫn khó mua khẩu trang vải kháng khuẩn ảnh 1

Khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng nước chống virus hiệu quả

Đủ khẩu trang vải cho người dân

Chiều 17-3, Bộ Công Thương họp với các đơn vị trực thuộc và đại diện một số doanh nghiệp trong nước về tình hình sản xuất, cung ứng khẩu trang.

Tại cuộc họp, đại diện Công ty TNHH Hàn Việt (Hanvico) cho biết, với năng lực sản xuất 350.000-400.000 chiếc khẩu trang một ngày, công ty có nguồn hàng dồi dào đáp ứng một phần nhu cầu của người dân.

Thông tin cụ thể về tình hình sản xuất khẩu trang và vải cung ứng để sản xuất mặt hàng này, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ công Thương) cho biết, hiện trong nước có hơn 20 tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng nước, đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Tính đến 31-3-2020, tổng lượng khẩu trang vải kháng khuẩn có thể đưa ra thị trường là khoảng 57 triệu chiếc, năng lực sản xuất trên 1,1 triệu chiếc/ngày. Trong đó, riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam có khả năng cung ứng lớn nhất với khoảng 19 triệu chiếc; Hanvico khoảng 8 triệu chiếc, Tổng công ty May 28 7 triệu chiếc…

“Có thể khẳng định, việc cung ứng đủ khẩu trang vải cho thị trường trong nước là hoàn toàn nằm trong khả năng của ngành dệt may Việt Nam”- đại diện Cục Công nghiệp cho hay.

Về nguồn nguyên liệu vải may khẩu trang, Bộ Công Thương cho biết, số lượng sản xuất vải của Việt Nam năm 2019 là 630 triệu m2 vải dệt từ sợi tự nhiên, 1,2 tỷ m2 vải dệt từ sợ nhân tạo. Tổng cả 2 loại vải đạt 5 triệu m2/ngày.

“Nếu trung bình 1m2 sản xuất được 20 khẩu trang thì 1 ngày Việt Nam có thể sản xuất được lượng khẩu trang tương đương 100 triệu khẩu trang các loại (nếu toàn bộ vải để may khẩu trang). Tuy nhiên hiện nay, lượng vải còn tồn trong thương mại, trong doanh nghiệp cũng còn tương đối, lượng vải này có thể gia công kháng khuẩn để đưa vào may khẩu trang vải kháng khuẩn mà chưa cần vải dệt mới.

Ngoài ra, do dịch bệnh đã được kiểm soát tại Trung Quốc nên nguồn vải từ thị trường này bắt đầu được nhập về Việt Nam. Do đó, có thể khẳng định Việt Nam không thiếu vải để sản xuất khẩu trang”- đại diện Cục Công nghiệp nói.

Báo cáo của một số doanh nghiệp cũng cho thấy, năng suất may khẩu trang trung bình của 1 lao động là 150 chiếc/ngày. Như vậy, có thể khẳng định ngành may trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu khẩu trang trong nước và xuất khẩu.

Với khả năng sản xuất khẩu trang và nguyên liệu như trên, song thực tế, người dân vẫn phản ánh tình trạng khó mua khẩu trang vải. Tại đơn vị lớn nhất là Tập đoàn Dệt may Việt Nam, người dân phải xếp hàng và chỉ được mua 5-10 chiếc/người.

Cung vẫn lệch cầu                                                                   

Theo ông Đào Văn Phương- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Dệt Nam Định, trong quá trình sản xuất, nhu cầu đặt hàng thiếu tập trung. Vấn đề cung cầu, tài chính và thanh toán cũng gặp nhiều vướng mắc.

Bà Đỗ Hồng Hạnh- Giám đốc tài chính ESQVEL Hồng Kong ( Tập đoàn Dệt may) cho biết, công ty cũng đã tham gia sản xuất vải kháng virus. Tuy nhiên, “khó nhất là kết nối thị trường. Để đưa được khẩu trang tới người tiêu dùng qua rất nhiều khâu nên chúng tôi cần được hỗ trợ kết nối cung cầu”- bà Hồng Hạnh nói.

Thừa nhận thực tế này, đại diện Cục Công nghiệp cho hay, qua khảo sát, gần 70% người dân có thói quen mua sắm trực tuyến (online) và các điểm bán hàng nhanh chóng, thuận tiện thay vì mua tại các siêu thị- nơi có nguồn hàng dồi dào hơn.

Trong khi đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học… lại chủ yếu đặt hàng của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, dẫn tới việc không cung ứng kịp số lượng lớn khẩu trang trong 1 thời gian ngắn, nhiều đơn vị không được giao hàng đúng hạn nên tạo ra tâm lý lo lắng, nhiều người thấy thiếu khẩu trang.

Số lượng điểm bán của Tập đoàn Dệt may Việt Nam chỉ có 5 điểm là quá ít, khách hàng bị khống chế số lượng mua mỗi lần nên có cảm giác hàng hóa khan hiếm.

Cũng theo Cục Công nghiệp, mặc dù số lượng doanh nghiệp dệt may có khả năng vừa có nguồn cung vải, vừa có khả năng may khẩu trang, nhưng họ không sản xuất mặt hàng này là vì họ chủ yếu gia công theo đơn hàng xuất khẩu. Bản thân doanh nghiệp không có kênh phân phối trong nước nên không biết sản xuất ra để bán cho ai.

“Để xảy ra tình trạng khan hàng là do sự thiếu nhịp nhàng giữa cung và cầu, thiếu thông tin về nhà cung ứng và điểm bán hàng khẩu trang đạt tiêu chuẩn để cung cấp cho thị trường”- Cục Công nghiệp phân tích.

Để giải quyết vấn đề này, Cục Công nghiệp đưa ra 2 phương án để tăng cường lượng khẩu trang vải bán trong nước. Phương án 1 là đề nghị Chính phủ hỗ trợ kết nối và cung cấp thông tin để thị trường tự điều tiết. Phương án 2 là đề nghị Chính phủ đặt hàng mua khẩu trang vải hoặc đảm bảo đầu ra cho doanh nghiệp sản xuất.

"Với quy mô dân số Việt Nam và bối cảnh hội nhập sâu rộng, lượng khẩu trang phục vụ người dân Việt Nam và khách nước ngoài rất lớn. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn của các cơ sở y tế đang sản xuất thì không đủ. Qua khuyến cáo của Bộ y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng nước được sử dụng nhiều lần đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế có hiệu quả tốt trong phòng chống dịch bệnh”- Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói.