Bộ Công Thương lo tắc nghẽn hàng hóa tại cảng Cát Lái lan sang cảng Cái Mép

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo Bộ Công Thương, tình trạng tắc nghẽn tại Cảng Cát Lái hiện rất nghiêm trọng, khiến doanh nghiệp luôn rơi vào tình cảnh giao nhận hàng không đúng thời gian quy định trong hợp đồng. Nếu kéo dài, tình trạng này có thể lây lan sang các cảng khác như: Cái Mép, Hải Phòng…
Tắc nghẽn tại cảng Cát Lái khá nghiêm trọng, có thể lan sang cảng Cái Mép, Hải Phòng

Tắc nghẽn tại cảng Cát Lái khá nghiêm trọng, có thể lan sang cảng Cái Mép, Hải Phòng

Tắc nghẽn nghiêm trọng

Cảng Cát Lái đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cảng biển khu vực TP HCM nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, sau 3 tuần thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, cảng Cát Lái đã tắc nghẽn nghiêm trọng.

Theo Báo cáo của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, sản lượng container xuất nhập tàu, sản lượng container giao nhận bãi, số lượt xe ra, vào cảng giao nhận hàng liên tục giảm so với cùng kỳ trước đó, kéo theo dung lượng tồn bãi cảng Cát Lái tăng cao.

Cụ thể, sản lượng container xuất nhập thông qua cảng giảm lần lượt theo các tuần là 0,2%; 18,03% và 5,4%. Sản lượng giao container hàng nhập, nhận container hàng xuất giảm lần lượt 4,78%; 10,48% và 18,13%.

Lượt xe ra/vào cảng giảm lần lượt 3,14%; 10,05% và 15,59%. Sản lượng tồn bãi tiệm cận mức tối đa cho phép, đặc biệt sản lượng hàng nhập luôn trên 100% công suất.

Nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa cho biết, tình trạng ùn tắc giao thông bên ngoài cảng Cát Lái làm các doanh nghiệp luôn rơi vào tình cảnh giao nhận hàng không đúng thời gian quy định trong hợp đồng. Năng lực vận chuyển hàng hóa cũng giảm hẳn, thay vì một ngày vận chuyển được từ 13-14 container thì gần đây chỉ còn 5-7 container.

Ngoài tình trạng ùn ứ giao thông thường trực trên Liên tỉnh lộ 25B, xa lộ Hà Nội... xe của doanh nghiệp vận tải hàng hóa cho cảng chỉ được chạy vào ban đêm, do đó chi phí cho một lần vận chuyển hàng cũng tăng lên.

Trước tình trạng trên, Bộ Công Thương cho rằng, với đặc thù hoạt động của cảng Cát Lái (từ trước đến nay thường xuyên trong tình trạng gần hết công suất), nếu hàng hóa tiếp tục chậm luân chuyển như vậy sẽ làm cho cảng hết sức chứa, phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu, chờ giải phóng bớt hàng trên bãi dẫn đến nguy cơ phải gián đoạn hoạt động như đã xảy ra tại các cảng của Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc trong các đợt dịch vừa qua.

Điều này sẽ gây tác động tiêu cực cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam.

Cần giải pháp cấp bách

Nói về nguyên nhân của tình trạng trên, Bộ Công Thương cho biết, hiện nhiều nhà máy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải dừng hoạt động do giãn cách xã hội. Một số ít khác thực hiện “3 tại chỗ” nhưng cũng đều phải cắt giảm sản lượng. Tình trạng này dẫn đến việc các doanh nghiệp dừng hoạt động không thể tiếp nhận các container nguyên liệu nhập khẩu, container bị lưu lại cảng nhiều gây ùn tắc tại cảng.

Trong khi đó, nhân lực cho dây chuyền sản xuất tại cảng cũng đang thiếu hụt do mắc Covid-19 hoặc nằm trong khu vực cách ly, phong tỏa nên năng suất bốc dỡ, giải phóng tàu cũng bị ảnh hưởng.

Bộ Công Thương đánh giá, tình trạng trên còn có thể kéo dài và lan sang các cảng khác như: Cái Mép, Hải Phòng, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu. Để giải quyết tình trạng ngày, ngày 4-8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có văn bản hỏa tốc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, làm việc với cảng Cát Lái nói riêng và các cảng biển lớn khác trên cả nước nói chung để khẩn trương đưa ra giải pháp.

Theo đó, cần nâng cao năng lực giải phóng hàng hóa ra khỏi cảng, rà soát và làm việc cụ thể với từng chủ hàng có hàng tồn tại cảng để đưa ra phương án thống nhất tháo gỡ vướng mắc sớm nhận hàng;

Nâng cao năng lực khai thác của bãi cảng, chủ động điều chỉnh xếp container từng khu vực để tăng khả năng tiếp nhận hàng nhập khẩu, đồng thời nâng tối đa khả năng xếp dỡ container trên bãi, điều chuyển bớt các container rỗng ra ngoài phạm vi cảng, điều chỉnh thời gian tiếp nhận container hàng xuất phù hợp;

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp với các bên điều tiết lượng hàng nhập về cảng Cát Lái, tạm thời ngưng chuyển container hàng nhập từ các cảng khu vực Cái Mép, Hiệp Phước về Cát Lái mà các chủ hàng cần nhận trực tiếp ở khu vực Cái Mép hoặc Hiệp Phước, các cảng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nơi gần nhà máy, doanh nghiệp của mình.

Các chủ hàng, hãng tàu cần hạn chế số chuyến tàu hoặc giãn tiến độ nhập container với hàng nhập của các doanh nghiệp, nhà máy đang giảm quy mô và sản lượng sản xuất.

Với Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương đề xuất nghiên cứu cơ chế cho phép cảng Cát Lái vận chuyển container hàng nhập khẩu nói chung, trong đó có cả loại container tồn đọng trên 90 ngày từ cảng Cát Lái về lưu giữ, thông quan, giao cho khách hàng tại các cơ sở của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn là cảng Tân cảng Hiệp Phước (TP HCM), các ICD Tân cảng Long Bình, ICD Tân cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai), ICD Tân cảng Sóng Thần (Bình Dương). Qua đó giảm tải và tăng năng lực chứa tại cảng Cát Lái, giảm tình trạng ùn tắc hiện nay.

Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cũng cam kết chịu trách nhiệm đảm bảo nguyên trạng hàng hóa, nguyên container khi vận chuyển và lưu trữ.

Ngoài ra, Bộ Công Thương kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho những người công tác tại cảng, kể cả các nhân viên giao nhận, lái xe. Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn xem xét giảm giá lưu container, lưu bãi cho hàng hóa ở cảng Cát Lái của các doanh nghiệp đang bị dừng sản xuất do tác động của dịch Covid-19.