Bộ Công Thương lại có công văn khẩn về việc tiêu thụ nông sản

ANTD.VN - Do lượng hàng hóa nông sản, trái cây được vận chuyển lên các cửa khẩu biên giới phía Bắc để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang ngày càng nhiều nên Bộ Công Thương khẩn cấp đề nghị các địa phương rà soát lại công tác sản xuất.

Không nên vội vàng đưa hàng lên biên giới để tránh ùn tắc

Thông tin cập nhật của Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết ngày 17-2, tại cửa khẩu phía Bắc với Trung Quốc còn tồn 556 xe hàng hóa, chưa xuất khẩu được. Trong đó, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) tồn 338 xe, cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn) tồn 10x e, cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) tồn 4 xe, cửa khẩu Kim Thành II (Lào Cai) còn tồn 200 xe, toàn bộ là trái cây tươi đang chờ xuất khẩu. 

Như vậy, so với ngày hôm trước, số xe nông sản chờ xuất khẩu sang Trung Quốc tại cửa khẩu quốc tế Kim Thành II đã tăng mạnh. Nguyên nhân là do hoạt động thông quan tại đây có dấu hiệu tích cực hơn nên hàng hóa lại được đưa lên nhiều hơn.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh có công văn khẩn, gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, thống kê cụ thể, chi tiết sản lượng từng loại hàng nông sản, trái cây đã, đang và sắp thu hoạch, tiêu chuẩn chất lượng, năng lực cạnh tranh của các loại hàng hóa nêu trên để đánh giá khả năng và xây dựng kế hoạch chuyển hướng tiêu thụ.

“Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục các nỗ lực để tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xuất khẩu mới, trong đó có việc chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách hàng mới, góp phần thúc đẩy chuyển hướng thị trường thay thế trong bối cảnh hiện nay”- Bộ Công Thương cho biết.

Đồng thời, Bộ này cũng đề nghị các địa phương đánh giá lại tình hình và chủ động kế hoạch điều chỉnh sản xuất phù hợp với diễn biến dịch bệnh COVID-19, theo đó, đối với các loại nông sản, trái cây đang dựa mạnh vào xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới (như thanh long và dưa hấu), có biện pháp khuyến nghị người nông dân điều tiết sản lượng, ít nhất là không sử dụng các cách thức để gia tăng sản lượng vào thời điểm này.

Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp chủ động nâng cao chất lượng hàng hóa, thay đổi nhãn mác để thuận lợi cho việc chuyển hướng thị trường.

Dịch COVID-19 bùng phát từ trước Tết Nguyên đán 2020 đến nay đã gây không ít khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là với mặt hàng nông sản hoạt động này ước tính, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ sụt giảm mạnh do bệnh dịch, hàng hóa ùn tắc, khó thông quan.