Bộ Công Thương đề xuất loạt giải pháp cứu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng lớn, cần cấp bách giải quyết để vừa thực hiện mục tiêu vừa tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.
DDoanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19

Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19

Bộ Công Thương cho biết, hiện tại, các doanh nghiệp đang gặp các vấn đề vướng mắc lớn như: Khó khăn về nguồn cung phục vụ sản xuất, cụ thể là chi phí sản xuất tăng cao, chủ yếu do giá một số nguyên vật liệu cơ bản phục vụ sản xuất như thép và các nguyên phụ liệu trong các ngành sản xuất đồ uống, thực phẩm…

Bên cạnh đó, việc phát sinh nhiều chi phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh cũng ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp. Ngoài ra, chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế cũng tăng rất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Quy định về các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương không thống nhất, gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, như: quy định về hàng hóa thiết yếu, yêu cầu xét nghiệm Covid-19 dày đặc;

Đáng chú ý, việc áp dụng phương châm “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất.

Bên cạnh đó, việc triển khai tiêm vaccine cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp và các khu công nghiệp chưa được triển khai nhất quán và kịp thời; Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động…

Tại cuộc tọa đàm mới đây, ông Mạc Quốc Anh- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cũng cho biết, đến làn sáng Covid-19 lần thứ tư này, các doanh nghiệp đã "ngấm đòn". Doanh số của nhiều doanh nghiệp giảm 90-95%.

Theo đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), các nhà máy may phần lớn sử dụng nhiều lao động nên hiện tại đa số đóng cửa, không biết bao giờ được mở cửa trở laik, gây khó khăn về sắp xếp lao động, bố trí lại sản xuất. Một số nhà máy thực hiện "3 tại chỗ" thì vừa tốn kém, vừa lo cho sức khỏe người lao động.

Căn cứ tình hình hiện tại của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đưa ra 3 nhóm giải pháp chính để “cứu” doanh nghiệp khỏi khó khăn hiện tại.

Một là ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng lao động trong ngành vận tải – đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh và các đối tượng khác trong ngành logistics (như đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu…).

Hai là đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ công tác lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Cụ thể là đơn giản hóa yêu cầu về thời hạn và cách thức xét nghiệm Covid-19 đối với lực lượng tài xế vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Xem xét gỡ bỏ quy định về định mức số lượng xe ô tô ra vào địa phương; cho phép sử dụng kết quả test nhanh, test gộp đối với lái xe và người lao động di chuyển liên tỉnh thay vì chỉ chấp nhận kết quả RT-PCR như nhiều địa phương đang áp dụng;

Đối với các đối tượng (lái xe, phụ xe liên tỉnh) đã được tiêm vaccine, cần cho phép kéo dài thời hạn giá trị của kết quả xét nghiệm âm tính đối với Covid-19; áp dụng test nhanh, test gộp (không áp dụng phương pháp RT-PCR) để tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Trong thời gian trước mắt, Bộ Công Thương đề xuất cần bổ sung một số ngành sản xuất, dịch vụ, mặt hàng vào danh mục “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” như các cơ sở chế biến thực phẩm từ các ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản để tạo điều kiện ổn định lưu thông, sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

Sau khi tiến hành tiêm vaccine rộng rãi đối với các đối tượng lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh, Bộ Công Thương đề xuất cần xem xét nới lỏng và tiến tới bãi bỏ các điều kiện về “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” để thúc đẩy lưu thông, sản xuất và cung ứng hàng hóa trong cả nước.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề xuất các giải pháp khác nhằm bảo đảm ổn định, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp như: Xem xét cho phép áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh; Các cơ quan nhà nước đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính; Có các giải pháp hỗ trợ về tài chính cho các ngành sản xuất.

Riêng đối với các doanh nghiệp phía Nam, với đặc thù sử dụng nhiều lao động nhập cư từ các địa phương khác, do đó nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện áp dụng phương châm "3 tại chỗ" và buộc phải đóng cửa tạm thời. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp từng bước hoạt động trở lại, Bộ Công Thương cho rằng chỉ nên yêu cầu thực hiện phương châm “1 cung đường, 2 địa điểm”, không nên yêu cầu áp dụng phương châm “3 tại chỗ”, trong đó, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm xác nhận cung đường và địa điểm cho người lao động và cam kết chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra việc lây lan dịch bệnh.

Đồng thời, cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về lộ trình dự kiến phục hồi sản xuất để các doanh nghiệp có kế hoạch về nhân sự, lao động và tài chính để hoạt động trở lại sau dịch.