- Hướng dẫn mới nhất của Bộ Công an về cách xử lý với người đã bị tuyên án tử hình tội tham ô, nhận hối lộ
- Mới: Bộ Công an đề xuất thẩm quyền cho phép sao chụp tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước độ tối mật
Về những hạn chế, bất cập trong thi hành quy định về an ninh mạng giữa Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018, theo Bộ Công an, về bản chất công nghệ, an toàn thông tin mạng là một phần của an ninh mạng, nên hai vấn đề này thực sự có nhiều điểm tương đồng nhau. Điều này làm phát sinh nhiều mâu thuẫn, trùng dẫm khi triển khai công tác thực tế.
Thực tiễn cho thấy, không gian mạng đang đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức mới, đan xen, phức tạp đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tác động trực tới cả công tác bảo đảm an ninh mạng và an toàn thông tin mạng, nổi lên là:
Thứ nhất, hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng... tại Việt Nam diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Mục tiêu chủ yếu nhằm vào hệ thống mạng thông tin của các cơ quan Trung ương và các tập đoàn, doanh nghiệp quan trọng...
Thứ hai, việc kiểm soát, quản trị và bảo vệ dữ liệu chưa tương xứng với giá trị và mức độ khai thác, sử dụng dữ liệu trong nền kinh tế số, xã hội số. Việc lộ, lọt, mua bán, xâm phạm dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến, ngày càng nghiêm trọng, kéo theo gia tăng các loại tội phạm mạng, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thứ ba, hoạt động phá hoại tư tưởng, chống đối trong nước diễn biến phức tạp...
Thứ tư, hoạt động sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội, xâm phạm TTATXH diễn ra ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong xã hội, gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân, nhất là hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…
Đặc biệt, một số đối tượng người Trung Quốc còn móc nối, cấu kết với đối tượng người Việt Nam để lừa đảo, lôi kéo người Việt Nam sang Campuchia phạm tội sử dụng công nghệ cao, dưới hình thức giới thiệu “việc nhẹ, lương cao”.
Năm 2024, đã xảy ra hơn 600 vụ lừa đảo với thủ đoạn được các đối tượng triệt để sử dụng là gọi điện, nhắn tin làm quen trên các trang mạng xã hội để hứa hẹn tặng quà, giả danh cơ quan thực thi pháp luật như: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án... yêu cầu người bị hại nộp tiền để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng xã hội tiếp tục được phát hiện với số tiền đánh bạc lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Thực tế này đã đặt ra yêu cầu cấp bách là tiếp tục nhanh chóng hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật làm nền tảng vững chắc để thực hiện công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm xâm phạm dữ liệu cá nhân.
Có thể nói, việc xây dựng dự án Luật An ninh mạng trên cơ sở hợp nhất Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018 là hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia không gian mạng.
Việc xây dựng dự án Luật phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về an ninh mạng thời gian qua.