Bộ Công an điều tra, xử lý 163 vụ mua bán người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Năm 2024, lực lượng Công an đã điều tra, xử lý 163 vụ mua bán người, với 455 đối tượng và 500 nạn nhân. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người có sự vào cuộc, tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, tuy nhiên, hoạt động của tội phạm này vẫn diễn biến phức tạp...

Thủ đoạn tinh vi, đa dạng

Theo Bộ Công an, các thủ đoạn mua bán người được đối tượng đưa ra để tìm kiếm, dụ dỗ các con mồi như “việc nhẹ lương cao”, lấy chồng nước ngoài hưởng cuộc sống giàu sang... Hoặc lợi dụng khó khăn về kinh tế, lệ thuộc của nạn nhân (vay tiền, không có khả năng trả nợ), các đối tượng dùng vũ lực khống chế, ép buộc nạn nhân ra nước ngoài làm việc để trả nợ, sau đó liên lạc với các “đại lý” ở nước ngoài phụ trách tìm kiếm, dẫn người từ Việt Nam sang làm nguồn lao động cho các trung tâm lừa đảo trực tuyến và nhận số tiền lớn lên đến hàng trăm triệu đồng...

Bộ Công an điều tra xử lý 163 vụ mua bán người

Bộ Công an điều tra xử lý 163 vụ mua bán người

Các đối tượng tổ chức đưa nạn nhân xuất cảnh bất hợp pháp qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới và bán sang nước ngoài làm việc, làm vợ bất hợp pháp để thu lợi bất chính. Trong nước, nổi lên tình hình mua bán người vào các cơ sở kinh doanh có điều kiện và mua bán trẻ sơ sinh trên không gian mạng thông qua thủ đoạn cho, nhận con nuôi, làm giả giấy tờ, hợp pháp hóa các thủ tục cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để trục lợi bất chính.

Tăng cường phòng ngừa tội phạm mua bán người

Trong thời gian qua, Bộ Công an đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ đề xuất Quốc hội khóa XV thông qua Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024; nội dung Luật bảo đảm tương thích, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên: Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em; Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ…

Triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc. Phối hợp với Bộ đội Biên phòng các địa phương tổ chức tuần tra biên giới, tập trung vào các tuyến trọng điểm, phức tạp nhằm ngăn chặn hành vi mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép. Chủ động nắm chắc tình hình, nhận diện phương thức, thủ đoạn mới, triển khai các kế hoạch, phương án đấu tranh, ngăn chặn, kiềm chế hoạt động tội phạm có liên quan.

Bộ Công an cũng đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án mua bán người… Phối hợp với các ban, bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người, hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” và công bố chủ đề của “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” năm 2024 là “Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”.
Cùng với đó, tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bảo đảm theo quy định của pháp luật và lấy nạn nhân làm trung tâm, vì quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới để nhận diện, phòng ngừa, đấu tranh, qua đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan, tổ chức xã hội, cơ quan thực thi pháp luật với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

Bộ Công an đã tổ chức các lớp tập huấn về công tác phòng, chống mua bán người; thu thập, bảo quản, xử lý chứng cứ là dữ liệu điện tử trong điều tra tội phạm; kỹ năng điều tra thân thiện trong các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em và mua bán người…

Công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện, nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp về phòng chống mua bán người trên tất cả các lĩnh vực.

Trong thời gian tới, các đơn vị của Bộ Công an tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác công an để chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với hoạt động mua bán người.

Tăng cường xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người. Củng cố hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các ngành, tổ chức trong công tác phòng, chống mua bán người… Thực hiện hiệu quả các Quy chế, Chương trình phối hợp phòng, chống tội phạm nói chung, phòng, chống mua bán người nói riêng giữa Bộ Công an với các ban, bộ, ngành, đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP...

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người và vi phạm pháp luật. Tiếp tục tổ chức các hoạt động huy động nguồn lực xã hội, phục vụ, hỗ trợ công tác phòng, chống mua bán người, đặc biệt là ở địa bàn cơ sở.