Bộ Công an: Đánh giá kỹ để chọn lựa tối ưu phương án quản lý dân cư

ANTD.VN - Bộ Công an ngày 17-10 đã công bố dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách dự án Luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân.

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Báo cáo là Bộ Công an đưa ra hai phương án: Giữ nguyên hình thức quản lý hộ khẩu như hiện nay; hoặc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy để thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đánh giá kỹ tác động của các giải pháp

Theo dự thảo, đối với giải pháp 1: Giữ nguyên các quy định của pháp luật hiện hành về hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú.

Tác động tích cực

Để xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, cơ sở giữ liệu quốc gia về dân cư đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương, trang bị phương tiện, đào tạo, huấn luyện cán bộ làm công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… đòi hỏi phải đầu tư kinh phí rất lớn, trong khi đó điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế và phải ưu tiên đầu tư cho nhiều lĩnh vực khác nhau.

Công an Hà Nội  luôn chủ động, nỗ lực  các giải pháp cải cách thủ tục hành chính

 Mặt khác, bên cạnh việc bảo đảm quyền cư trú của công dân thì vấn đề cư trú còn liên quan trực tiếp đến yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; trong khi đó, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội hiện nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp và sự cần thiết phải duy trì hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để quản lý chặt biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng, hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ của ngành Công an, qua đó góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;

Dự thảo Báo cáo đánh giá phương thức quản lý bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú sẽ giúp không phải sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về thủ tục hành chính có liên quan tới giấy tờ công dân, trong đó có quy định phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính. Theo đó, nhà nước không phải bảo đảm kinh phí để sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này.

Tuy nhiên nếu giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành về hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ có những tác động tiêu cực sau:

- Người dân vẫn phải mất thời gian, công sức, chi phí liên quan tới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi tham gia các giao dịch hoặc thực hiện các thủ tục hành chính có yêu cầu phải xuất trình gây tốn kém, lãng phí (chi phí tuân thủ thủ tục hành chính hiện tại khi quản lý bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú được đánh giá, so sánh trong Phụ lục IV - Biểu mẫu tính chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trong Báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính).

Mặt khác, việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như hiện nay gây khó khăn cho người dân khi họ cần di chuyển hoặc tìm cơ hội sinh sống, làm việc ở nơi khác như phải khai báo, thay thế, lưu chuyển giấy tờ liên quan tới sổ hộ khẩu một cách thủ công và mất nhiều thời gian không cần thiết;

- Đối với nhà nước, vẫn phải duy trì các bộ phận quản lý chuyên trách ở nhiều cấp để thực hiện các công đoạn quản lý sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như lập tờ khai, thống kê, lập biểu mẫu… dẫn tới bộ máy hành chính cồng kềnh, khối lượng hồ sơ giấy tờ lưu trữ là rất lớn, gây tốn kém cho ngân sách nhà nước trong việc quản lý, bảo quản.

Đối với giải pháp 2 dự thảo Báo cáo phân tích tác động tích cực là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới phát triển Chính phủ điện tử là xu thế tất yếu, là mô hình phổ biến của nhiều quốc gia hiện nay.

Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Qua đó, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, giảm chi phí khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú (chi phí tuân thủ thủ tục hành chính hiện tại khi quản lý bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân được đánh giá, so sánh trong Phụ lục IV - Biểu mẫu tính chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trong Báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính).

“Hiện nay, để triển khai thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, Chính phủ đã ban hành 17 nghị quyết chuyên đề về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành; trong đó, các nghị quyết của Chính phủ đã phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư”, dự thảo Báo cáo nêu.

Bên cạnh đó, sử dụng mã số định danh cá nhân để quản lý dân cư thông qua việc cập nhật, kết nối từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ mang lại những lợi ích thiết thực trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả.

Ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp nâng cao hiệu quả đối với công tác lưu trữ, tra cứu và quản lý nhân hộ khẩu nói riêng

Hiện nay, công dân khi đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, Giấy chứng nhận kết hôn, Giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, bằng lái xe…, thậm chí học sinh khi đi học phải có giấy khai sinh.

Tuy nhiên, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân được hoàn thành, công dân không cần mang theo các loại giấy tờ nêu trên, không phải công chứng, chứng thực các loại giấy tờ này, mà chỉ mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục hành chính bảo đảm nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

Theo tính toán sơ bộ, khi ứng dụng công nghệ thông tin (cập nhật thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng/năm từ việc không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện thủ tục hành chính chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân như trước đây, tạo thuận lợi cho gần 90 triệu người dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền.

- Quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Theo đó, mã số định danh cá nhân được coi là chìa khóa để các cơ quan nhà nước kết nối, cập nhật tra cứu thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực được giao quản lý.

Hiện nay, 15 trường thông tin cơ bản về công dân đang được cơ quan Công an tổ chức thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Sử dụng số định danh cá nhân vào quản lý dân cư sẽ là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử (hoặc phương tiện điện tử), mở rộng các ứng dụng để tích hợp thông tin của nhiều ngành trên một thẻ (hoặc phương tiện điện tử).

Thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu chuyên ngành được cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư ngân sách nhà nước đối với hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và giảm thiểu chi phí cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc khai thác dữ liệu (không cần tổ chức các đợt kiểm tra, tổng điều tra), giảm nguồn lực thực hiện nhập các trường thông tin trùng lặp về công dân và giảm tải được khối lượng hồ sơ, giấy tờ hiện đang lưu trữ tại cơ quan hành chính nhà nước;

Quản lý dân cư bằng số định danh sẽ góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự được kịp thời, chính xác, hiệu quả, thông suốt từ trung ương tới địa phương.

 Kiến nghị giải pháp lựa chọn

Trên cơ sở đánh giá, phân tích kỹ những tác động tiêu cực, tích cửa của 2 nhóm giải pháp nêu trên, dự thảo Báo cáo nhấn mạnh việc lựa chọn giải pháp thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân được cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (giải pháp 2) để thay thế hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú là phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay khi tốc độ phát triển công nghệ thông tin ngày càng mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư khiến cho việc kết nối thông tin giữa các ngành, lĩnh vực trong việc quản lý dân cư được thuận lợi hơn rất nhiều so với việc quản lý bằng phương thức thủ công.

Do đó, yêu cầu về chuẩn hóa một con số, mã số để cấp cho mỗi công dân, đồng thời tập trung nguồn lực để thực hiện điện tử hóa các thông tin về công dân là nhu cầu tất yếu trong công tác quản lý nhà nước về dân cư.

Hiện nay, việc tổ chức triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đạt nhiều kết quả quan trọng như: đã hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai dự án; đã xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại Hà Nội và TP.HCM; tổ chức cấp hơn 8 triệu số định danh cá nhân tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua công tác cấp căn cước công dân và phối hợp với Bộ Tư pháp cấp hơn 900.000 số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh tại 18 địa phương; triển khai thí điểm thu thập thông tin dân cư tại Công an tỉnh Hà Nam, Hòa Bình và triển khai phần mềm cư trú tại Công an tỉnh Thừa Thiên Huế để đánh giá rút kinh nghiệm triển khai dự án trên phạm vi toàn quốc;

Đã thí điểm xây dựng hệ thống quản lý dân cư tại thành phố Hải Phòng; tiến hành rà soát, thống kê đơn vị hành chính; tổng số nhân, hộ khẩu, củng cố hồ sơ, tài liệu về quản lý dân cư và kiện toàn đội ngũ cán bộ phục vụ triển khai dự án; phối hợp với Công an các địa phương tiến hành khảo sát về hiện trạng trang thiết bị, đường truyền nhằm đánh giá hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý dân cư của Công an các địa phương, khả năng phối hợp triển khai và dự kiến bố trí lắp đặt thiết bị đường truyền trên địa bàn toàn quốc.

Bên cạnh đó, ngành Công an đang lưu trữ, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống tàng thư Chứng minh nhân dân với hơn 60 triệu người và hệ thống tàng thư hộ khẩu với hơn 80 triệu nhân khẩu. Những thông tin, tài liệu sẵn có này cùng các dữ liệu chuyên ngành khác là nguồn quan trọng để cung cấp cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thể tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu này. Như vậy, việc triển khai đồng bộ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 là khả thi.