Bờ bãi sông Hồng

ANTĐ - Sáng. Bật tivi. Mục ý tưởng mới giới thiệu dự án xây dựng thành phố ngay trên bãi giữa sông Hồng. Đó là ý tưởng của KTS trẻ Nguyễn Văn Quang, sau 5 năm thực địa, đo đạc bãi giữa sông Hồng.

Theo đó, Hà Nội năm 2050, trên bãi giữa sẽ có nhiều tòa nhà cao từ 15 đến 20 tầng mọc lên trên chiều dài 3km, chiều rộng 1,5km. Vị KTS này sẽ dành một vài tầng để cho cư dân bãi giữa mang ngô khoai sắn lạc lên trồng, vừa làm vườn trong phố vừa là nguồn cung cấp các sản vật nông nghiệp. Một ý tưởng táo bạo của một người trẻ. Xem xong nhiều người cười ồ lên vì sự lãng mạn và ít khả thi. Chính tác giả của ý tưởng cũng thừa nhận, có thể hôm nay nó còn rất xa vời, nhưng anh cứ đưa ra, như cài đặt một giấc mơ. Còn tôi, chợt giật mình, lâu nay sống trong lòng Hà Nội mà mình đang… quên bãi giữa sông Hồng.

Ừ, cái bãi giữa này là nơi bạn tôi từng chụp ảnh cưới. Bạn định sẽ kéo lên Mộc Châu để lưu dấu hành trình hạnh phúc với cỏ hoa trên cao nguyên xanh ngát. Nhưng cuối cùng lại nhận ra một điều giản dị: chẳng phải đi đâu xa! Xem ảnh, nhiều người sẽ ngỡ đó là một vùng quê nào đó, xa xôi, hoang vắng, bời bời lau cỏ. Ngờ đâu đó lại giữa lòng Hà Nội, ngay dưới chân cầu Long Biên mùa này lồng lộng gió.

Cầu Long Biên vừa rồi chợt thành tâm điểm với dự án hoành tráng cỡ 5.000 tỉ đồng. Một bảo tàng lịch sử cận đại. Đó là ý tưởng của bà Nguyễn Nga, người từng tổ chức Festival cầu Long Biên. Giữa lúc người ta phàn nàn Hà Nội cái gì cũng nhỏ, thì đứng trước “siêu dự án” này, có nhiều ý kiến tán đồng, có lẽ cũng là điều dễ hiểu. KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, nếu dự án khả thi, cầu Long Biên "có thể trở thành một viên nam châm thứ hai sau phố cổ góp phần vào việc giải quyết sự nghèo nàn về thực đơn văn hóa và du lịch". Nhưng nhiều người nghe cũng thấy giật mình. Bởi dự án quá lớn và khó thành hiện thực đã đành, cả nỗi sợ nếu cố gắng làm mà thành công, cây cầu sẽ biến thành "cầu chết", trong khi đó, trong tâm thức của rất nhiều người, cầu phải "sống", phải hoạt động chảy trôi, phải có người xe đi lại, ngắm cảnh để nối giữa hai bờ sông Hồng, như thế mới đúng là giá trị thực của cây cầu.

Đứng trên cầu Long Biên nhìn xuống, tôi không nghĩ về việc cây cầu này liệu có trở thành bảo tàng sống như người ta đang bàn tới, bàn lui. Tôi cũng không muốn hình dung những tòa nhà cao vài chục tầng tựa như những hộp diêm xếp đặt trong ý tưởng lạ lùng của chàng KTS trẻ. Tôi chỉ thấy bờ bãi sông Hồng đang trải ra ngút ngàn trước mắt. Màu xanh rì của cây cối, màu trắng của bãi cát và dòng chảy cuồn cuộn dưới kia như kể bao nhiêu điều. Có ai nhìn những đám lau sậy ken dày đu đưa trong gió mà không cảm thấy xao lòng. Những cây lau sậy vươn dài đến 2, 3 mét, tầng tầng lớp lớp bám rễ, ăn đời ở kiếp với phù sa sông Hồng và tạo nên vẻ đẹp hiếm có cho hai bờ dòng sông này.

Không chỉ đi vào ảnh cưới, lau sậy bờ sông Hồng còn là nơi cậu bé Bi thường xuyên dạo chơi và cất giữ những bí mật rất trẻ thơ của mình, trở thành hình ảnh mà đạo diễn Phan Đăng Di đã đưa vào phim "Bi, đừng sợ", để nó vượt qua giới hạn của vẻ đẹp thiên nhiên bình thường, mang đầy tính biểu tượng và biểu cảm. Còn đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cũng không thể kìm lòng được trước những thân cây tưởng yếu ớt mảnh mai mà lại biết dựa vào nhau để tạo nên sức mạnh tập thể và vẻ đẹp tập thể ấy. Suốt những ngày tháng qua lại trên cầu Long Biên, khi về thăm bố mẹ chồng mình bên Gia Lâm, bà đã có những giờ phút được đắm mình vào cảnh sắc nơi đây, để bây giờ, khi thực hiện bộ phim "Tâm hồn mẹ", lau sậy cũng đóng góp một phần không nhỏ trong phim.

Không chỉ có lau, bờ bãi sông Hồng còn có ngô. Để mỗi khi đông về câu hát "Hà Nội mùa đông, quán đê thơm nồng, mùi ngô nướng xém" trong ca khúc "Ngẫu hứng phố" đầy da diết của nhạc sĩ Trần Tiến lại vang lên khi cầm trên tay bắp ngô nướng ấm sực thơm lừng. Với tôi, bãi sông Hồng còn một vẻ đẹp nữa, ấy là khi bạt ngàn những gốc ngô đã khô cong, phất phơ những thân ngô nâu bạc và hoa ngô khô quắt queo. Đứng trong ruộng ngô ấy nhìn lên, cầu Long Biên vun vút người qua, mặt trời về chiều chênh chếch nắng, lia máy ảnh lên mà chụp những kiểu ảnh như thế, cái cảm giác tàn lụi và hồi sinh, sự chiêm nghiệm về dòng đời vẫn chảy trôi qua mùa qua tháng, về sự mênh mông và hạn hữu của mỗi kiếp cỏ cây, hoa lá, con người cứ mang mang dâng lên trong dạ.

Sự đổi thay và cả sự quy hoạch nữa là cần thiết, song tôi sợ sẽ đến một ngày, tôi và nhiều người phải đứng ngoài cầu Long Biên, ngậm ngùi nhìn những tòa nhà cao tầng, thầm mơ về một thuở bờ bãi sông Hồng mênh mang lau sậy.