Bộ ba Mỹ-Hàn Quốc-Nhật Bản tập trận đối phó Triều Tiên

ANTD.VN - Theo hãng thông tấn Yohap, Mỹ và Nhật Bản đã bắt đầu cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, nhằm chống lại mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên. 
Bộ ba Mỹ-Hàn Quốc-Nhật Bản tập trận đối phó Triều Tiên ảnh 1

Mỹ-Hàn Quốc- Nhật Bản cùng tập trận để đối phó với Triều Tiên

Cuộc tập trận diễn ra ở biển Nhật Bản, với sự tham gia của các tàu khu trục tên lửa: Sejong Great của Hàn Quốc, Kirishima của Nhật Bản và Curtis Wilbur của Mỹ.  Các tàu sẽ theo dõi, phát hiện mục tiêu giả định "do Triều Tiên phóng" và tìm cách tiêu diệt. Dự kiến, cuộc tập trận sẽ hết thúc vào ngày 15-3.

Cuộc tập trận diễn ra chỉ hai tuần sau vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Bình Nhưỡng. Vào ngày 6-3, Triều Tiên đã phóng 4 quả tên lửa đạn đạo nhắm mục tiêu giả tưởng vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản. 3 trong số các tên lửa sau đó đã rơi xuống vùng lãnh hải của Nhật Bản.

Trước tình hình này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã ban hành lệnh tiêu diệt các tên lửa của Triều Tiên nếu phát hiện ra nguy cơ đe dọa tiềm ẩn.

Trong một thông tin liên quan, cuộc huấn luyện thực địa hàng năm giữa Washington và Seoul ở Foal Eagle sắp diễn ra và sẽ kéo dài đến hết tháng 4 với các bài tập cũng nhằm mục đích ngăn chặn sự xâm lược của Triều Tiên. Động thái này đã bị Bình Nhưỡng chỉ trích vì cho rằng nó là một cuộc tập dượt chuẩn bị cho “cuộc chiến tranh xâm lăng”. 

Theo Yohap, Bình Nhưỡng vẫn đang tiếp tục đào hầm dưới núi Mantap qua Cảng Bắc để hỗ trợ cho việc thực hiện các thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất với lượng thuốc nổ cao hơn đáng kể. Ở vụ thử hạt nhân hồi tháng 9-2016, ước tính Triều Tiên đã sử dụng khoảng 15.000-20.000 tấn thuốc nổ.

Năm ngoái, Triều Tiên cũng đã tiến hành 2 cuộc thử hạt nhân và hơn hai chục lần phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Gần đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un cho biết, nước này sẽ tiếp tục các cuộc thử nghiệm hạt nhân đồng thời đang ở giai đoạn cuối cùng của cuộc thử nghiệm phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Năm 2005, Triều Tiên đã tuyên bố mình là một cường quốc hạt nhân và rút khỏi cuộc hội đàm với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như Nga và Trung Quốc, bất chấp nỗ lực nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên của các nước này.