Bịt ngay kẽ hở

ANTĐ - Thuốc chữa bệnh, thực phẩm quá “đát” lâu nay đã trở thành nỗi lo, ám ảnh cả xã hội, gây bức xúc dư luận. Thời gian gần đây, thị trường vận tải lại xuất hiện xe khách, xe tải quá “đát” tiềm ẩn nguy cơ gây tai họa không kém gì những sản phẩm quá “đát” đang hoành hành với nhiều thủ đoạn, chiêu trò gian lận tinh vi.

Xe khách, xe tải quá hạn sử dụng không phải như thực phẩm bốc mùi, thuốc chữa bệnh hết hạn có thể dễ dàng “phù phép”, qua mặt cơ quan quản lý thị trường. Bởi vậy, chủ sử dụng loại phương tiện vận tải này phải tìm ra những lỗ hổng để có thể hợp pháp hóa, đàng hoàng hoạt động trên đường giao thông. Những đối tượng làm ăn “xuyên quốc gia” đã lợi dụng con đường giao thương qua biên giới Việt – Lào để “đánh” những chiếc xe quá đát sang nước bạn xin cấp biển số mới.

Sau khi đã hợp pháp hóa, những phương tiện giao thông lẽ ra phải được vứt bỏ, đã biến thành xe được phép lưu thông. Đây không chỉ là hành vi lách luật mang tầm quốc tế, mà trò “quay vòng” xe quá đát này sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng và khó lường. Mỗi xe tải, xe khách được cấp phép hoạt động đều phải qua khâu đăng kiểm, kiểm định chất lượng. Hai tháng đầu năm 2016, những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn liên tiếp xảy ra.

Dù số vụ có giảm so với cùng kỳ năm trước, song số người chết lại gia tăng. Chỉ trong vài ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3, trên cả nước đã xảy ra gần 50 vụ tai nạn, làm chết 34 người, 32 người bị thương. Đó là chưa kể, trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của 600 người và làm hàng trăm người khác bị thương. Có tới 9,9% số vụ tai nạn giao thông là do ý thức của người điều khiển phương tiện.

Những con số đau lòng này liệu có thể giảm bớt được hay không khi những chiếc xe quá “đát” vẫn “lách luật” để nhập vào dòng xe được phép lưu thông hiện nay? Thật rùng mình khi nghĩ tới những chiếc xe cũ nát vẫn “nhởn nhơ” phóng trên đường chở hàng, chở hành khách. Người dân, khách hàng làm sao nhận dạng, phân biệt được đâu là xe còn  hay quá hạn để giao phó hàng hóa, nhất là mạng sống của mình.

“Con voi không thể chui lọt lỗ kim”, những chiếc xe xếp hàng để thải loại không thể ngang nhiên “vượt biên” trở về nơi xuất phát, trà trộn vào dòng phương tiện giao thông hợp pháp. Ở đây, trách nhiệm của các cơ quan chức năng không chỉ là “thổi còi”, xử phạt mà còn phải phối hợp với cơ quan liên quan của nước bạn Lào để chặn đứng xe quá “đát” ngay từ nơi xuất phát. Kinh nghiệm cho thấy, nếu không quyết liệt, mạnh tay, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng “thả xe” ra... đuổi”, với những hệ lụy khó lường.