Bịt mũi vào làng

ANTĐ - Làng nghề giết mổ trâu bò Phúc Lâm cách thị trấn Việt Yên (Bắc Giang) chưa đầy 3 cây số nhưng ai thính mũi, đứng phía cuối thị trấn đã có thể ngửi thấy thứ mùi tanh tưởi. Đến đầu xã, bà chủ quán nước chè nói ngay: “Làng thối chứ gì. Về đó làm gì, thối lắm, rước bệnh vào người đấy”.

Trưởng thôn Phúc Lâm chỉ phần ruộng không thể trồng lúa


Bịt mũi qua làng Phúc Lâm

Vừa đến đầu làng, một thứ mùi ghê ghê đã sộc đến. Anh bạn đi cùng bịt mũi, mấy đứa trẻ làng nhìn người lạ ngơ ngác chạy theo với gọi tưởng khách đến mua thịt. Một cụ già tay phải chống ba toong, tay trái bịt mũi dò dẫm tìm lối ra cổng làng.

Anh bạn tôi đang là cán bộ huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang cũng là người làng Phúc Lâm thản nhiên: “Sống mãi rồi nó cũng quen. Tôi giờ không có khái niệm thối hay thơm nữa, hỏng mũi rồi còn đâu”. Người dân nơi đây đang phải học sống với ô nhiễm dù sức khỏe có bị ảnh hưởng.

Theo quan sát của chúng tôi, hai bên đường vào làng Phúc Lâm là hệ thống cống thoát nước từ các lò mổ. Nước thải được đổ ra tạo nên một màu đen ngòm. Ruồi nhặng cũng từ đó sinh ra tạo nên một “lò ô nhiễm” rợn người. 

Hàng nghìn “sát thủ” trâu mộng

Chúng tôi tìm đến nhà trưởng thôn Đỗ Văn Phú. Ông Phú thấy có khách thì tất tả lo pha trà. “Gớm! các cấp ngành chức năng về làng khảo sát nhiều rồi nhưng có giải quyết được gì đâu. Mỗi lần có cán bộ môi trường về là một lần chúng tôi hy vọng sẽ có phương án giải quyết cho làng. Nhưng càng mong thì càng không thấy ai đả động gì” - ông Phú than phiền.

Ông Phú nói tiếp: “Làng Phúc Lâm vốn có nghề giết mổ trâu bò. Từ xa xưa cha ông chúng tôi đã làm rồi, nhưng mãi từ năm 1986 đến nay mới thực sự nở rộ và giết mổ với số lượng lớn”. Ông Phú nhẩm tính, mỗi đêm làng Phúc Lâm cũng phải giết mổ trên 100 con trâu bò, ngày cao điểm lên tới 500 con. Đặc biệt vào các dịp lễ tết, Phúc Lâm trở thành một “công xưởng” khổng lồ với hàng nghìn “sát thủ” sẵn sàng “làm thịt” hàng trăm con trâu mộng chỉ trong chưa đầy một tiếng đồng hồ. Một tay chuyên giết mổ trâu bò khà khà: “Đêm nào không “thịt” vài con là nhớ đấy. Cứ 4 người phụ trách “đâm tiết” một con trâu, một đêm ê kíp 4 người cũng phải “giải quyết” xong hàng chục con.

Theo ông Phú, làng Phúc Lâm có hàng chục lò mổ tập trung với quy mô lớn. Ngoài ra, còn hàng trăm gia đình tự giết mổ trâu bò tự phát. Ông Đỗ Ngọc Mong - Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Ninh cho hay: “Tình trạng không đăng ký nhưng vẫn lập lò để giết mổ trâu bò khá phổ biến. Nghề này thuộc nghề trôi nổi, rủi ro nhiều, hơn nữa nếu đăng ký lại phải nộp thuế nên họ… giết trộm”. Đêm nào cũng vậy, khoảng từ 22h là các lò mổ ở Phúc Lâm bắt đầu vào việc. Người thì đi dắt trâu, kẻ mài dao, người khác kiếm chậu đựng tiết… tiếng hò nhau ý ới cho đến sáng. Tảng sáng, các lái buôn từ khắp nơi đến lấy hàng. Người xe máy, kẻ xe tải rầm rập chuyển thịt trâu bò xuất đi các vùng miền. Sản phẩm sau mỗi đêm để lại cho Phúc Lâm là những bao tải xương trâu bò được xếp thành đống bên vệ đường hoặc được dìm xuống đáy các hồ ao.

Xương chất thành… núi

Ông Phú dẫn chúng tôi mục sở thị những “núi xương” đã trở thành nỗi kinh hoàng với biết bao người đi đường. Đứng từ xa, ông Phú chỉ tay ra phía có nhiều bao tải nói: “Xương trâu bò đấy, dưới đáy hồ cũng có. Các anh cứ vào mà xem nhưng bịt miệng lại kẻo ruồi chui vào”. Tôi liều lĩnh bước qua đống xương vệ đường để tiến vào trung tâm của ô nhiễm. Đường dẫn vào khu để xương ngăn đôi hai cái hồ lớn.

Phía trong là hàng trăm bao tải đựng xương trâu bò chưa qua ngâm nước nên có mùi rất khó tả. Bên ngoài các bao tải bị ruồi bâu kín và phía dưới là lũ chuột to như bắp chân người. Tôi định bước vào khu giữa nhưng không được vì có quá nhiều ruồi cộng với mùi hôi thối nồng nặc bốc lên khiến người có “thần kinh thép” cũng phải… choáng.

Ông Nguyễn Văn Đại - Phó Chủ tịch HĐND xã Hoàng Ninh cho biết: “Đó là sản phẩm của hàng nghìn con trâu bò bị giết. Sau khi mổ thịt lột da, xương trâu bò được cho vào các bao tải và đưa ra vệ đường, sau đó dìm xuống hồ cho phần thịt còn lại rữa ra”. Khi chúng tôi giơ máy ảnh lên chụp, một phụ nữ bịt kín mặt ở đâu đến túm áo phía sau tôi lôi đi: “Đừng chụp gì cả, tôi chỉ được thuê để phơi xương và cân lên để bán chứ có giết mổ gì đâu”. Sau một hồi giải thích, người phụ nữ này cho biết là người ở xã khác, đến làm thuê cho làng Phúc Lâm.

Theo một nguồn tin chúng tôi có được, vào những năm trước đây ở Phúc Lâm có khá nhiều người chết vì ung thư. Tuy nhiên, hầu hết các gia đình bệnh nhân đều không thừa nhận. Ông Phú cũng khẳng định thông tin này và cho hay: “Tôi mới làm trưởng thôn được 2 năm nhưng đã chứng kiến 5 người chết vì ung thư rồi”. Ông Phó Chủ tịch UBND xã thừa nhận: “Ở Phúc Lâm số người bị ung thư khá nhiều”.

Được biết, nước thải từ các lò mổ được đổ ra các kênh sông, hồ ao và ruộng lúa. Hàng chục hécta lúa bị chết do tụ lại lớp mỡ bầy nhầy hoặc nhiễm nước muối nặng - sản phẩm sau mỗi lần dùng muối “rửa” nội tạng trâu bò.