Bịt miệng “người thổi còi”

ANTĐ - Trong nỗ lực bịt miệng “người thổi còi”, giới chức Mỹ đã chính thức tuyên bố cựu nhân viên Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) E. Snowden phải chịu trách nhiệm về việc đã tiết lộ những tin tức gây tổn hại an ninh quốc gia Mỹ. 

Bịt miệng “người thổi còi” ảnh 1
Hành khách trên một chuyến tàu ở Hồng Kông đang theo dõi chương trình TV về E.Snowden


Đây có thể coi là bước đi nhằm bắt giữ E. Snowden, người lật tẩy chương trình do thám tuyệt mật PRISM của Mỹ hiện đang ở Hồng Kông. Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) R. Muller cho biết một cuộc điều tra hình sự đã được tiến hành và các cơ quan điều tra Mỹ đang áp dụng “tất cả những biện pháp cần thiết” để khởi tố E. Snowden.

Khỏi phải nói CIA và FBI nóng ruột thế nào trước những thông tin E. Snowden tiết lộ. Hôm 12-6, E. Snowden tiếp tục gây rúng động cộng đồng thế giới khi cho biết các cơ quan tình báo Mỹ trong nhiều năm qua đã và đang tấn công vào mạng máy tính của nhiều quốc gia trên thế giới. 

Đặc biệt, trong trả lời phỏng vấn độc quyền của tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” - tờ báo lớn nhất xuất bản bằng tiếng Anh tại Hồng Kông (Trung Quốc), E. Snowden cho biết trong số 61 nghìn mục tiêu mà Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) tấn công trong nhiều năm qua, có hàng nghìn máy tính ở Trung Quốc.

Nhớ lại cuộc gặp của Tổng thống Mỹ B. Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tuần trước, Washington đã cảnh báo Bắc Kinh về tình trạng tin tặc và tình báo mạng ngày càng gia tăng từ Trung Quốc nhằm vào hệ thống máy tính của các bộ ngành và các công ty Mỹ. Thế nhưng tiết lộ của E. Snowden đã đảo ngược tình thế. Nay thì Bắc Kinh đã có trong tay vũ khí và bằng chứng lợi hại để phản bác lại những cáo buộc của Mỹ.

Chưa hết, giới chức Mỹ còn lo ngại khả năng E. Snowden sẽ sang Trung Quốc và hợp tác với nước này, hành động được cho là sẽ gây ra hiểm họa lớn cho an ninh Mỹ vì cựu nhân viên CIA 29 tuổi này nắm được rất nhiều bí mật liên quan tới hoạt động của tình báo Mỹ. Một nhóm đặc nhiệm của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã được thành lập và đang ráo riết săn lùng E. Snowden. Còn Thượng nghị sĩ Mỹ D. Feinstein, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ, thì khẳng định: “Chúng ta phải bắt bằng được E. Snowden dù có phải đi đến cùng trời cuối đất”.

Tuy nhiên, để dẫn độ hoặc bắt E. Snowden đưa về Mỹ không phải là chuyện dễ dàng. Kể từ khi đột ngột “biến mất” ngày 10-6, không ai biết E. Snowden đang lưu trú ở đâu tại Hồng Công. Thêm vào đó, mặc dù Hồng Công có thỏa thuận dẫn độ với Mỹ nhưng vào tháng 3 vừa qua, Tòa án tối cao Hồng Công đã ra phán quyết khẳng định chính quyền đặc khu không được dẫn độ bất kỳ ai cho đến khi thiết lập một quy trình dẫn độ mới. Điều đó có nghĩa là kể cả khi Snowden bị bắt ở Hồng Công và phía Mỹ yêu cầu dẫn độ thì quá trình xét duyệt cũng sẽ kéo dài rất lâu.

Đã thế, lại có tin cho biết Nga có thể trao quy chế tị nạn cho E. Snowden. Nhật báo kinh doanh “Kommersant” của Nga dẫn lời người phát ngôn Điện Kremli D. Peskov khẳng định: “Nếu chúng tôi nhận được đề nghị như vậy, chúng tôi sẽ xem xét”. Còn nhà báo G. Greenwald của tờ Guardian (Anh), người đã viết bài về chương trình PRISM theo thông tin từ Snowden, thì tuyên bố: “Còn có hàng chục câu chuyện nữa từ khối tài liệu do Snowden cung cấp và chúng tôi sẽ đăng tải cho đến đề tài cuối cùng”. 

Không sớm bịt được miệng của “người thổi còi” E.Snowden, Washington sẽ còn phải đối mặt với nhiều rắc rối.