Bịt “lỗ hổng” tập đoàn

ANTĐ -Một thái độ nghiêm khắc của Chính phủ đối với các tập đoàn kinh tế Nhà nước, vốn được coi là những “đứa con cưng”, được thể hiện bởi một quyết định cứng rắn. Đó là Thủ tướng Chính phủ quyết định cho thôi chức Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mặc dù Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, đó chỉ là “việc bình thường trong công tác cán bộ”. Đây có thể coi là bước đột phá khá mạnh tay của Chính phủ trong lộ trình tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, nhằm bịt những “lỗ hổng” lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hàng năm, mặc dù ngân sách Nhà nước luôn phải bù lỗ hàng nghìn tỷ đồng cho giá điện, song người dân vẫn không thể hài lòng cùng Nhà nước chia sẻ gánh nặng này. Đúng là giá điện thấp hơn thị trường thật, nhưng mỗi lần tăng giá, tại sao dư luận luôn tỏ ra bức xúc. Chính là vì dư luận không tin vào sự minh bạch của “ông” điện. Sau khi Tập đoàn Điện lực công bố kết quả kiểm toán với những con số gây “sửng sốt” chứng tỏ rõ ràng rằng họ lỗ nặng là do quản lý yếu kém, chứ không thể đổ lỗi vì giá điện chưa theo được cơ chế thị trường như tập đoàn này thường lớn tiếng kêu ca; Thủ tướng quyết định cho thôi chức Chủ tịch EVN chính là vì trách nhiệm lãnh đạo điều hành yếu kém không chỉ trong ngành điện.

Lỗi nặng hơn là EVN trở thành một trong những tập đoàn đi “tiên phong” trong việc đầu tư ngoài ngành gây thua lỗ. Công ty EVN Telecom kinh doanh các dịch vụ viễn thông trong nước và quốc tế; tư vấn, thiết kế các dự án, công trình thông tin viễn thông. Mỗi năm, công ty này mang về cho EVN cả trăm tỷ đồng lỗ, riêng năm 2010 khoản thua lỗ lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Việc cho thôi chức lãnh đạo cao nhất của một tập đoàn kinh tế “nổi bật” về đầu tư ngoài ngành, được coi là một “thông điệp” của Chính phủ cảnh báo sẽ còn mạnh tay với những tập đoàn cố cưỡng lại quá trình này.

Tuy nhiên, trong báo cáo tổng kết việc thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế Nhà nước mới được Bộ Kế hoạch - Đầu tư công bố đã nhận định: “Rất khó cho cơ quan Nhà nước có thể tiếp cận một cách đầy đủ và chính xác các thông tin về kết quả hoạt động của các tập đoàn”. Được hưởng quá nhiều “ưu ái” và ưu đãi từ Nhà nước, nhưng không muốn bất kỳ một sự khống chế nào, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước gần như nằm ngoài tầm giám sát trong suốt thời gian qua. Báo cáo chỉ rõ, việc giám sát các “ông lớn” này, tưởng là rất chặt chẽ, nhiều cơ quan đều có “dính dáng” một tý, song rút cục lại không có cơ quan nào thực sự giám sát được, khi mà mỗi cơ quan được giao những quyền khác nhau nên quyền lực giám sát bị phân tán tản mát. Bộ Kế hoạch - Đầu tư chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ. Bộ quản lý ngành thì giám sát tính hợp pháp, chính xác, trung thực việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên. Bộ Tài chính giám sát tình hình quản lý, sử dụng vốn, phân phối thu nhập, trích lập và sử dụng các quỹ của công ty mẹ. Thế nhưng, cho đến nay chưa có cơ quan đầu mối để theo dõi, đánh giá toàn diện tổ chức, hoạt động của các tập đoàn tổng công ty.

Thật đáng lo ngại, việc giám sát các tập đoàn, tổng công ty hiện đang tồn tại “ba không”: Không nắm bắt và chấn chỉnh kịp thời hoạt động kinh doanh. Không đủ căn cứ để đối chiếu so sánh mục tiêu, nhiệm vụ. Không đủ căn cứ, tiêu chí để giám sát những người giữ chức danh đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Đây cũng chính là ba “lỗ hổng” lớn rất khó bịt kín.