Bịt lỗ hổng "đi nước ngoài chữa bệnh"

ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc với ông Vũ Đình Duy, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex). 

Quyết định này được đưa ra trong lúc ông Vũ Đình Duy đã xuất cảnh với lý do nghe khá quen tai là “đi nước ngoài chữa bệnh” và chưa nhập cảnh trở lại. Được biết, PVTex chính là chủ đầu tư dự án Nhà máy sản xuất Xơ sợi polyeste Đình Vũ (Hải Phòng) - 1 trong 5 “siêu dự án đắp chiếu”, thua lỗ nghìn tỷ đồng được các đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp Quốc hội diễn ra mới đây. 

Trước đó, hồi đầu tháng 10, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra tại dự án Xơ sợi Đình Vũ, nêu một loạt sai phạm trong quá trình thực hiện, đầu tư. Với những sai phạm có dấu hiệu cố ý làm trái, gây thất thoát, lãng phí lớn, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Bộ Công an điều tra, xử lý. Trong khi vụ việc đang được tiếp tục làm rõ thì ông Duy không còn đến Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm việc với lý do đi nước ngoài chữa bệnh.

Đây không phải là trường hợp duy nhất xin đi nước ngoài chữa bệnh ở thời điểm nhạy cảm. Bởi ngay trước đó là trường hợp của Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Ông Thanh có đơn xin đi nước ngoài chữa bệnh trong thời gian các cơ quan chức năng đang xem xét nhiều vấn đề liên quan như: “Được đưa đón bằng chiếc Lexus LX570 gắn biển xanh; trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng thua lỗ nặng ở Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC và dù lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhưng ông Thanh vẫn được bổ nhiệm Phó Chủ tịch tỉnh”.

Nhìn nhận về việc các cán bộ Nhà nước xin đi nước ngoài chữa bệnh trong lúc đang bị xem xét sai phạm, các đại biểu Quốc hội cho rằng, còn lỗ hổng trong quản lý cán bộ. Nhiều ý kiến đề nghị, với những vụ việc nghiêm trọng và có khả năng cán bộ sai phạm trốn chạy thì các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ để quản lý.

Trong đó, nhiều người đồng tình với quan điểm của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) rằng, cơ quan chủ quản có thể phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, các cửa khẩu, thậm chí có những trường hợp phải theo dõi vừa đề phòng những cá nhân này trốn chạy, vừa để bảo vệ chính họ khỏi nguy cơ bị thủ tiêu, ám sát, bịt đầu mối.  

Hay như đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An thẳng thắn cho rằng, khó khăn trong vấn đề này là theo luật hiện hành, khi chưa có quyết định khởi tố thì các cá nhân đều có quyền tự do đi lại và không bị cấm xuất cảnh.

Tuy nhiên, việc khắc phục lại rất dễ, cụ thể là vướng mắc về mặt pháp luật thì phải tháo gỡ về mặt pháp luật. Theo đó, cần bổ sung quy định đối với những cá nhân có “dấu hiệu nghi vấn” vi phạm pháp luật thì phải đưa ngay vào diện hạn chế xuất cảnh, đi lại. 

Việc sớm bịt lỗ hổng trên là hết sức cần thiết và cần làm ngay bởi dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng được vạch ra trong thời gian qua không chỉ có một, bởi vậy không loại trừ khả năng vẫn còn những cán bộ sai phạm có ý định “đi nước ngoài chữa bệnh”.