“Bịt kín” các kẽ hở

ANTĐ - Chuyên án triệt xóa ổ nhóm mua bán, vận chuyển trái phép 131 bánh heroin tuần qua, là chiến công đặc biệt xuất sắc của lực lượng công an. Vụ việc này một lần nữa cho thấy sự manh động, liều lĩnh, ngang nhiên thách thức pháp luật của số đối tượng ma túy cộm cán.

Vận chuyển ma túy số lượng lớn trên tuyến đường dài, nên thủ đoạn cất giấu của dân buôn “hàng trắng” không thể cầu kỳ, tỉ mỉ như các đối tượng bán lẻ. Chế bình xăng, sàn xe 2 đáy để giấu heroin; nhét “hàng” vào trong đồ điện tử, gửi xe khách rồi đi xe máy “kèm” sau… tuy là những thủ đoạn không mới, nhưng chẳng dễ để lực lượng công an phát hiện, nếu không có nguồn tin, chủ động lập án đấu tranh từ trước. Với thủ đoạn cũ như trên, mỗi chuyến làm ăn, dân buôn nhiều lắm “ôm” được hai ba chục “bánh”. 

Hơn ai hết các đối tượng ma túy hiểu rằng, khi bị bắt, dù “ôm” 1 hay 100 bánh đều phải đối mặt với… án tử hình. Mạo hiểm ngang nhau, quãng đường vận chuyển như nhau… dễ hiểu khi thấy các vụ tuồn “hàng trắng” từ Lào vào Việt Nam để sang Trung Quốc tiêu thụ, bị lực lượng chức năng bắt giữ thời gian gần đây, thu số lượng ma túy ngày càng lớn.

Tinh vi như Tráng A Chu, 46 tuổi, ở xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La “mổ” xe tải nhét 62 bánh ma túy vào 2 bên thành; ngang nhiên như Sồng A Tếch, 43 tuổi, cùng ở xã Lóng Luông, vùi 15kg heroin trong các thùng đào rừng, vận chuyển công khai… cũng đều bị lực lượng công an sờ gáy. Một câu hỏi được đặt ra, tới đây, dân buôn ma túy sẽ “xách” hàng số lượng lớn theo cách nào? “Quốc lộ 6 - tuyến đường huyết mạch từ các tỉnh Tây Bắc về xuôi sẽ tiếp tục “nóng”, tuy nhiên, đường thủy sẽ được tội phạm khai thác triệt để trong thời gian tới, khi đường bộ “hỏng ăn” nhiều” - nhận định vừa được một cán bộ lâu năm trong công tác phòng, chống ma túy đưa ra. 

Lâu nay, những khó khăn về cơ sở vật chất, biên chế lực lượng, phức tạp luồng lạch… khiến công tác quản lý phương tiện, nắm đối tượng tham gia giao thông đường thủy luôn khó hơn so với đường bộ. Phải có những phương tiện làm việc mang tính đặc thù, cần những con người hiểu được “tâm lý” các dòng sông, nên có lẽ ngoài CSGT đường thủy, khó lực lượng nào thạo “đánh án” trên tuyến này.

Tội phạm vận chuyển ma túy số lượng lớn đang khai thác tuyến đường sông là thực tế báo động, nhưng số vụ phát hiện, bắt giữ lâu nay mới dừng ở vài gói nhỏ. Thiếu phương tiện, thiếu kỹ năng, yếu cả sự phối hợp… đang làm những kẽ hở trên tuyến đường thủy trở thành “lỗ hổng” lớn, nhất là khi tội phạm ma túy trên tuyến đường bộ bị “đánh” gắt gao. Muốn ‘bịt kín” kẽ hở này, cần hơn sự phối hợp thực chất, đi vào chiều sâu giữa 2 lực lượng: CSGT đường thủy và Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy.