Bịt kẽ hở rò rỉ chất cấm Salbutamol: Vẫn đang chờ luật

ANTĐ - Một số doanh nghiệp bị phát hiện bán trái phép chất cấm salbutamol ra thị trường nhưng cơ quan chức năng khẳng định chưa đủ cơ sở để khởi tố, xử lý hình sự. Bất cập này sẽ chấm dứt kể từ ngày 1-7- 2016 khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực.

Bịt kẽ hở rò rỉ chất cấm Salbutamol: Vẫn đang chờ luật ảnh 1

Có vi phạm trong việc bán Salbutamol

Liệt kê ra hàng loạt quy trình, thủ tục và quy định pháp luật phức tạp để cấp phép nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc, trong đó có salbutamol, đại diện Ban chỉ đạo 389 (Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) Bộ Y tế cho biết, việc xem xét đơn hàng nhập khẩu nguyên liệu trong đó có salbutamol được thực hiện theo quy trình thao tác chuẩn QT.KD.02.03 của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.     

Đại diện Bộ Y tế thông tin, hiện nay, có tới 150 công ty có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất nhập khẩu và 153 công ty sản xuất có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc được nhập khẩu nguyên liệu nói chung, trong đó có salbutamol. Theo dõi thực tế cho thấy, trong 2 năm (2014-2015), chỉ có 20 công ty đề nghị cấp phép nhập khẩu salbutamol. Số lượng nhập khẩu trong năm 2014 là 3.876kg, năm 2015 là 5.215kg.

Là cơ quan được Bộ Y tế giao nhiệm vụ “gác cửa” ở lĩnh vực này, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, sau khi nhận được thông tin về việc salbutamol dùng làm thuốc có khả năng bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, cuối tháng 11-2015, Cục Quản lý Dược đã yêu cầu các cơ quan liên quan tạm dừng nhập khẩu nguyên liệu salbutamol. Cùng với đó, Cục Quản lý Dược đã triển khai công tác hậu kiểm các cơ sở từng nhập khẩu salbutamol.

Trong tháng 12-2015, Cục Quản lý Dược đã phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an kiểm tra tại 6 cơ sở. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện có vi phạm trong việc bán nguyên liệu salbutamol cho các cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược theo quy định. Theo thẩm quyền, Cục Quản lý Dược đã xử lý các doanh nghiệp vi phạm với chế tài cao nhất theo quy định của pháp luật. 

Cụ thể, Cục Quản lý Dược đã ban hành quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc; tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; ngừng xem xét, tiếp nhận hồ sơ xuất nhập khẩu thuốc và đăng ký thuốc; đề nghị Sở Y tế địa phương thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc của các đơn vị vi phạm; chuyển 3 trường hợp là Công ty TNHH Hóa dược quốc tế Phương Đông; Công ty CP dược Minh Hải và Công ty TNHH Hóa dược Minh Anh sang Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an để điều tra, giải quyết theo thẩm quyền.

Ăn vào chết ngay mới xử lý hình sự?

Đáng tiếc, theo ông Lê Thành Công, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế, sau khi xem xét tài liệu, hồ sơ và điều tra, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an đã có các công văn gửi Cục Quản lý Dược thông báo chưa đủ cơ sở để khởi tố, xử lý hình sự về hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm theo quy định tại Điều 155, Bộ luật Hình sự năm 2009 và đề nghị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế xử lý hành chính theo thẩm quyền đối với Công ty TNHH Hóa dược quốc tế Phương Đông và Công ty CP Dược Minh Hải.

Riêng với Công ty TNHH Hóa dược Minh Anh, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra và chưa có kết luận. Ngoài ra, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an cũng khẳng định, chưa có cơ sở, tài liệu chứng minh số lượng salbutamol do các công ty trên bán không đúng quy định ra thị trường được sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi.

Không hề bất ngờ trước thông tin này, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, chưa đủ cơ sở để khởi tố hình sự bởi theo quy định hiện hành, yếu tố gây hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm về an toàn thực phẩm.

Mức độ nghiêm trọng được thể hiện ở chỗ gây thiệt hại tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng - tức là người sử dụng thực phẩm bẩn có thể tử vong ngay lập tức sau khi ăn và cơ quan chức năng phải chứng minh được là do ăn thực phẩm đó mới có cơ sở để xử lý hình sự. Thế nhưng, các loại hóa chất như salbutamol tồn dư trong thực phẩm bẩn đều gây ảnh hưởng về lâu dài, gây ra những loại bệnh tật nguy hiểm chứ không phát tác, gây chết người ngay nên rất khó xử lý hình sự.

Chờ đợi ngày 1-7-2016

Bất cập nói trên sẽ được giải quyết kể từ ngày 1-7-2016, khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực. Theo đó, những đối tượng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm sẽ bị nghiêm trị mà không cần chờ đợi hậu quả nghiêm trọng xảy ra.

Cụ thể, các điểm a, b khoản 1, Điều 317 (tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm) tại Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm; sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm - thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Đồng tình với quy định mới trên, ông Phạm Tiến Dũng cho biết: “Chúng tôi đang mong chờ tới ngày 1-7-2016. Khi chế tài mới tại Bộ luật Hình sự có hiệu lực, tính răn đe sẽ tăng lên rất cao và chắc chắn tình trạng vi phạm sẽ giảm mạnh. Phạt tiền nhiều doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi chưa chắc đã sợ nhưng phạt tù thì sẽ khác rất nhiều...”. 

Thừa nhận nguy cơ có thật khi các nguyên liệu làm thuốc như salbutamol có thể bị sử dụng sai mục đích và gây hậu quả nghiêm trọng ở các ngành khác, đại diện Bộ Y tế cho biết, trong quá trình xây dựng Luật Dược (sửa đổi), Bộ Y tế đã đề nghị đưa các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (như salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào khái niệm “thuốc phải kiểm soát đặc biệt” và đưa vào quy định về cấm kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đúng mục đích hoặc cung cấp không đúng đối tượng mà cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Nội dung này đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ thứ 11 vào ngày 6-4-2016. Như vậy, thêm một kẽ hở nữa có thể làm rò rỉ chất cấm ra thị trường đã bị bịt lại.

Trong thời gian chờ Luật Dược (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, Bộ Y tế khẳng định đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng không đúng mục đích nguyên liệu làm thuốc. Cục Quản lý Dược cũng cam kết nhanh chóng sửa lại hệ thống quy định kiểm soát việc xét duyệt cho nhập salbutamol; đồng thời đôn đốc các Sở Y tế siết chặt kiểm tra đối với kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc nói chung, các nguyên liệu làm thuốc bị cấm sử dụng trong các ngành khác nói riêng.

Phối hợp với cơ quan công an để quản lý
Bộ Y tế cho biết, để quản lý salbutamol trong thời gian tới cũng như các hóa chất cấm trong ngành Nông nghiệp nói chung, thời gian tới, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế và Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an sẽ ký quy chế phối hợp. Cùng đó, Cục Quản lý Dược sẽ tăng cường hậu kiểm đồng thời yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình về số lượng đề xuất, mục đích sản xuất, mục đích bán cho các đơn vị khác kèm theo danh sách các đơn vị dự kiến mua, đồng thời có cam kết bán hàng đúng đối tượng… 

   

Salbutamol (hay còn gọi là chất tạo nạc) là loại nguyên liệu thường bị dùng trái phép trong chăn nuôi tại Việt Nam. Đây là thuốc để điều trị bệnh hen suyễn với liều lượng rất nhỏ và cần sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ. Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) đã cấm sử dụng salbutamol trong thực phẩm từ nhiều năm nay. Sau một thời gian tích lũy chất này trong cơ thể, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa, trường hợp nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.