Bịt kẽ hở để ngăn tham nhũng

ANTĐ - Ngày 3-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chủ trì phiên họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 việc thực hiện Chương trình 09-Ctr/TU về “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2011-2015”. 

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: “Không chủ quan, bởi ở đâu đó, tham nhũng còn ẩn nấp”

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình, trong 6 tháng đầu năm, công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn TP có chuyển biến tích cực, các cấp, ngành đã tăng cường công tác cải cách hành chính, thực hiện công khai, minh bạch. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm được quan tâm chú trọng, 6 tháng đầu năm, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra 117 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, qua kiểm tra đã kết luận 83 trường hợp vi phạm, thi hành kỷ luật 52 trường hợp, thu hồi 6,1 tỷ đồng, yêu cầu giảm trừ quyết toán trên 10 tỷ đồng và sử dụng đúng mục đích 17,3 tỷ đồng.

Đáng chú ý, số vụ án liên quan đến tham nhũng trong 6 tháng đầu năm có giảm so với cùng kỳ, nhưng tính chất và mức độ phức tạp lớn hơn. Từ 1-12-2013 đến 31-5-2014, Tòa án nhân dân TP đã thụ lý 28 vụ với 106 bị cáo, đã xét xử 17 vụ với 61 bị cáo. Trong đó, có những vụ “đại án” như vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) hay vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm... Theo Chánh án TAND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Bình, các bản án được dư luận đánh giá cao, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Cùng với đó, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng đầu năm tiếp tục được triển khai đồng bộ. Thông qua việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên, TP đã tiết kiệm được trên 462 tỷ đồng. Việc tiết kiệm trong chi tiêu công như không mua sắm ô tô, trang thiết bị, cải tạo, xây dựng trụ sở khi không cần thiết... cũng được các cơ quan, đơn vị của TP nghiêm túc thực hiện.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng, dù có nhiều chuyển biến, song tình hình tham nhũng tại Hà Nội còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ. Trong khi đó, khả năng phát hiện tham nhũng còn hạn chế. Cơ chế, chính sách còn sơ hở và công tác quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực còn chưa đạt yêu cầu.

Kết luận phiên họp, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá, Hà Nội đã rất tích cực triển khai phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo chuyển biến tốt trên một số lĩnh vực như cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh... Bí thư Thành ủy nói: “Ở một lĩnh vực nhạy cảm như công tác cán bộ, Hà Nội đã làm rất nghiêm túc, công khai, dân chủ, rất hiếm khi để xảy ra vụ việc. Vừa rồi, lấy tín nhiệm ứng viên chức danh Phó Chủ tịch UBND TP là một ví dụ. Tất cả đều công khai. Giới thiệu 6 người, lấy 2 người. Cuộc đánh giá có gần 200 người dự thì “chạy” thế nào được?”

Đặc biệt, TP không để phát sinh các vụ việc tham nhũng, lãng phí lớn, phức tạp trên địa bàn. “Chúng ta không chủ quan, bởi ở đâu đó, tham nhũng còn ẩn nấp, chưa bị phát hiện...” - Bí thư Thành ủy cảnh báo. Đồng ý đánh giá “tình hình có chuyển biến tốt”, song Bí thư Thành ủy cho rằng, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, đặc biệt, trong những lĩnh vực đầu tư công, xây dựng, đấu thầu các dự án. 

Hướng tới 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo, Bí thư Thành ủy yêu cầu tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), để mỗi cán bộ, công chức luôn biết tự tu sửa mình, không có hành vi tham nhũng, lãng phí. 

Cùng với đó, cần tích cực nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt trong quản lý kinh tế - xã hội, không tạo kẽ hở để bị lợi dụng, tạo điều kiện cho tham nhũng, lãng phí. Bí thư Thành ủy nói: “Ai đó muốn tác động, cán bộ có khi giữ mình được lần đầu, còn những lần sau thì thế nào? Do đó, phải có cơ chế đủ mạnh để ngăn chặn được tham nhũng”. Cuối cùng, nếu 2 giải pháp trên không hiệu quả, vi phạm vẫn diễn ra, Bí  thư Thành ủy cho rằng, phải xử lý thật nghiêm minh để răn đe.