Bình yên xóm đạo ven sông

ANTĐ - “Hơn 10 năm qua, xóm đạo Kiều Mộc, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì không có người vi phạm pháp luật. Một lòng kính Chúa yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo, bà con Công giáo nơi đây luôn đoàn kết, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ…”.

CAH Ba Vì thăm hỏi, chia vui với bà con giáo dân trước lễ Noel

Chẳng phải ngẫu nhiên mà ông Nguyễn Viết Liêm - Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Đô lại nhận xét như vậy về xóm đạo Kiều Mộc - giáo xứ Phú Nghĩa. Dù bao đời nay, cuộc sống của người dân nơi xóm chài này vẫn vơi đầy theo dòng nước sông Đà, nhưng nói đến việc chấp hành chính sách pháp luật, tự giác tham gia các phong trào tự quản về an ninh trật tự thì xóm đạo Kiều Mộc luôn là lá cờ đầu.

Có mặt ở xóm đạo Kiều Mộc ngay trước lễ Giáng sinh, chúng tôi thấy rõ niềm vui hiện lên trên từng nét mặt của bà con Công giáo. Ông Nguyễn Văn Thống, người đã gắn bó với nghề chài lưới trên sông suốt 10 năm qua phấn khởi kể: Từ ngày được chính quyền địa phương cấp đất ở, đất canh tác, bà con giáo dân xóm chài đã có điều kiện tốt hơn để đón Noel. Nhiều người dân sau khi được dạy nghề và giới thiệu đi làm việc ở một số địa phương khác, những ngày này cũng trở về quê hương vui đón Giáng sinh cùng gia đình. Ngồi trên chiếc thuyền gỗ bồng bềnh nổi trên mặt nước nhờ 2 chiếc vỏ tên lửa đã hoen gỉ, ông Thống cho biết: “4-5 hộ gia đình ở xóm chài vừa được cấp đất giãn dân đang dành dụm tiền để xây ngôi nhà tạm. Được đón Giáng sinh trên mảnh đất của mình là mơ ước lớn nhất của người dân xóm chài” - người đàn ông gần 60 tuổi với khuôn mặt hom hem, làn da cháy sém vì nắng gió tâm sự.

Thôn Kiều Mộc có gần 100 hộ - 500 nhân khẩu theo đạo Thiên Chúa trước đây chủ yếu sống trên sông Đà bằng nghề chài lưới. Sau đó, vì ô nhiễm nguồn nước và nguồn thủy sản ngày một cạn kiệt nên nhiều hộ gia đình đã phải “di cư” lên thượng nguồn các con sông Lô, sông Thao. Trước những khó khăn đó, chính quyền địa phương đã cắm đất cho hơn 40 hộ dân, đồng thời đứng ra tín chấp, vay vốn ngân hàng, mở các lớp dạy nghề giúp người dân phát triển kinh tế. “Ban đầu bà con giáo dân không muốn lên bờ vì sợ phải từ bỏ những thói quen đã gắn bó cùng sông nước. Nhưng qua quá trình vận động, hầu hết người dân đã thấy rõ ý nghĩa thiết thực nên đã tự giác lên bờ” - ông Lê Văn Hiệp, Trưởng Công an xã Cổ Đô thông tin. Theo thống kê, hiện thôn Kiều Mộc vẫn còn 21 hộ gia đình định cư trên thuyền và nhiều người mưu sinh trên sông bằng nghề lái tàu, đánh bắt thủy sản… Dù không sống tập trung nhưng bà con giáo dân nơi đây vẫn tham gia đầy đủ công tác xã hội, tích cực đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật và thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, sống tốt đời, đẹp đạo.

Trong cuộc trò chuyện với Ban hành giáo - giáo xứ Kiều Mộc chúng tôi còn được biết, xã Cổ Đô là nơi “khai sinh” ra phong trào “Tự quản về an ninh trật tự trong họ giáo”. Sau nhiều năm triển khai, phong trào này vẫn tiếp tục được duy trì, phát huy hiệu quả đồng thời tạo tiền đề để xây dựng các mô hình tự quản khác như: “Xóm đạo làng chài bình yên”, “Dòng họ tự quản”, “Gia đình 5 không”… Trả lời câu hỏi “bí quyết nào” giúp những mô hình này luôn có sức sống, thu hút được đông đảo người dân tham gia, một thanh viên trong Ban hành giáo chia sẻ: Đó là nhờ sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, lực lượng công an với các chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong giáo hội. Minh chứng rõ nét nhất là trong dịp Noel này, các cơ quan chức năng không chỉ thăm hỏi, tặng quà các linh mục, nhà thờ và một số hộ gia đình mà còn triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự, giúp bà con giáo dân đón một mùa Giáng sinh vui vẻ, ấm áp.