PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái:

Bình thản trước mọi khó khăn

ANTĐ - Nếu gọi điện thoại vào lúc 0 giờ, đầu dây bên kia Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái vẫn nghe vui vẻ, tỉnh táo như khi tiếp chuyện lúc sáng sớm. Kể cả những khi đi xa về chị vẫn có thể trò chuyện những câu chuyện dài, có khi chỉ về một cuốn sách hay mà chị vừa mới đọc. Tất cả những câu chuyện của chị dường như có nam châm hút người nghe…

Tôi nhớ một lần cùng đi du lịch ở đảo Quan Lạn-Quảng Ninh cùng chị. Thấy sức khỏe có chiều hướng không ổn,  chị tự lấy thuốc, tiêm cho mình, kiểm soát hơi thở cho một chặng đường dài. Chuyến đi ấy, người khỏe mạnh như chúng tôi còn tính toán đủ thứ, sợ đủ thứ, sợ độ cao, sợ chết đuối thì đã thấy chị Minh Thái mua vé nhảy dù trên biển.

Chị mới tiêm xong đã thấy đi nhảy dù rồi mô tô nước, thong dong chèo thuyền ra xa.

Có lẽ, Minh Thái sống được là nhờ ý chí rèn luyện. Đi bơi, uống thuốc, tập yoga, đọc sách, đi tham vấn những vở kịch mới dàn dựng, xem phim với học trò, xem đá bóng và hò hét như thanh niên…

Thi thoảng, chị em chúng tôi thủ thỉ hỏi nhau, rằng có lúc nào chị cảm thấy chán chường không? Chị cười, có chứ, nhiều là khác, nhưng rồi vùi vào công việc nên cũng quên nhanh.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái là người đọc sách như tằm ăn rỗi. Có quyển sách gì hay, mới ra đã nghe chị nói đọc rồi.

 Nghe chị nói về sự đọc tôi thấy mê mẩn. Với chị, sách hay mà không đọc rất uổng. Văn hóa đọc với chị là hàng đầu. Chị chăm đọc, và cũng rất chăm đi. Ai ới một tiếng là đi.

Chị đi đường mòn Trường Sơn, vào miền Trung thăm nghĩa trang liệt sỹ. Trở về, ngồi viết. Đi xem kịch về ngồi viết. Lịch một ngày sau giờ giảng dạy là đi xem, thực tập và vùi vào công việc.

Cuộc đời chị, đầy ắp những truân chuyên, chị phấn đấu học để có sự nghiệp, tự nuôi con. Nhiều trò giỏi đã trở thành nhà văn, nhà báo tự hào nhắc về cô Minh Thái như người đã dạy họ những bài học đầu tiên của nghề. Chị đã giảng dạy, truyền nghề và đưa rất nhiều học trò qua sông, bơi thật xa ra biển lớn…

Chị Minh Thái sống lặng lẽ trong một con ngõ hẹp ở phố Đại La. Khi con cái phương trưởng, ngỡ chị nhàn hạ hơn. Nhưng rồi hóa ra ngược lại, học trò muốn gặp cô giáo thì phải hẹn trước. Bởi chị luôn có công việc phải làm, phải đi xem,  phải đi nơi này, nơi khác.

Và để đêm đêm lại chong đèn khuya đọc sách, viết. “Sân khấu của tôi,” “Đối thoại mới với văn chương,” “Con mắt xanh” viết phê bình và tiểu luận, tập truyện ngắn và rất ngắn in chung với Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu. Đọc truyện ngắn của chị, thấy được một Nguyễn Thị Minh Thái làm chủ được nỗi cô đơn, làm chủ được ngòi bút, làm chủ được những cảm xúc yếu đuối mà không hệ lụy. Và còn thấy được cuộc sống của những gia đình thành thị ngỡ đầy đủ, mà vẫn đơn lẻ như “Bồ côi bồ cút” , “Lệ già” hay “Ngồi đợi ở bậc thềm”. Riêng truyện ngắn “Đêm sông hồ” thì giấu một ký thác buồn nhưng rất can đảm khi nhìn vào ký ức ngỡ vụn mà không vụn. Can đảm vượt rào là khác.

Chị Minh Thái đa tài, năm 2010 chị còn in chung tập thơ với các nhà thơ cùng mái trường đại học, năm 2010 còn in cuốn tuyển tập phê bình trong nhiều lĩnh vực văn học, sân khấu… những chân dung nhà văn dưới bút pháp của chị đọc xong, vẫn muốn lật trở lại trang sách dưới đèn. Dù viết dưới dạng tác phẩm thơ hay truyện ngắn, hay phê bình trong lĩnh vực sân khấu… Minh Thái đều viết rất công phu.

Trò chuyện với chị về đời sống, tôi luôn thấy như được đồng hành với một người cầm bó đuốc sáng đi xuyên rừng. Và hơn cả, chị là người biết vượt qua bệnh  tật, sự yếu mềm, vượt qua rất nhiều barie vô hình của cuộc đời để đến với sự nghiệp trồng người và sự nghiệp văn học.