Bình ổn giá: Chưa phục vụ đa số

(ANTĐ) - Đến thời điểm này, hàng hóa bình ổn đã đầy trên kệ hàng của các doanh nghiệp tham gia phân phối hàng bình ổn giá, song danh mục mặt hàng thuộc chương trình vẫn chưa phục vụ cho đại chúng
 

Dầu ăn bình ổn có giá bán cao hơn ngoài thị trường

Vắng hàng “bình dân”

Trái với kỳ vọng của người tiêu dùng Thủ đô về việc sẽ mua được hàng hóa bình dân giá thấp hoặc ổn định trong các điểm bán hàng bình ổn giá, nhiều mặt hàng trong danh mục hàng bình ổn không phù hợp với yêu cầu này. Theo ghi nhận của PV Báo ANTĐ sáng 11-7, tại điểm bán hàng bình ổn giá của Tổng công ty Thương mại Hà Nội  (Hapro), khu vực chợ Thành Công cho thấy, 9 nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu gồm: gạo tẻ; thịt lợn, thịt gà, vịt; trứng gà, vịt; thực phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm, cá; thủy hải sản tươi, đông lạnh; dầu ăn; đường RE và rau củ tươi đều đã được bình ổn giá. Nhưng trong từng nhóm hàng, cơ cấu mặt hàng lại không thông dụng.

Ví dụ, điểm bán hàng này thực hiện bình ổn giá với gạo Thái đỏ Yamada, gạo Thái xanh Yamada, gạo tám xoan, gạo tám Điện Biên… trong nhóm gạo tẻ. Với nhóm thủy hải sản tươi, đông lạnh, các mặt hàng bình ổn giá gồm: tôm sú thịt tươi, tôm sú thịt hấp, cá basa… Tương tự, Hapro Thành Công cũng bình ổn giá với mặt hàng thịt kho tàu, thịt xay, thịt bò… đóng hộp (nhóm thực phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm)… Thực phẩm tươi sống không đa dạng, phong phú trong khi các mặt hàng được bình ổn trên chỉ phục vụ một nhóm người tiêu dùng nhỏ; có thu nhập “nhỉnh” hơn bởi giá bán các mặt hàng này khá cao, có loại lên tới hơn 150.000 đồng/500 gam.

Quan sát tại siêu thị Fivimart trên đường Lê Đức Thọ (Từ Liêm) chiều 10-7 cho thấy, siêu thị này bình ổn giá với các nhóm hàng: trứng gà, đường, rau xanh, dầu ăn. Với nhóm hàng đường, Fivimart bình ổn cho đường Lam Sơn tinh luyện xuất khẩu với giá 22.900 đồng/kg, song trên giá hàng không có, thay vào đó là đường tinh luyện xuất khẩu sản xuất tại Minh Khai (Hà Nội) và đường xuất khẩu Biên Hoà?

Fivimart cũng bình ổn giá với nhóm hàng rau sạch, rau an toàn Đạo Đức.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, trong khi hầu hết các siêu thị: Hapro, Fivimart… thực hiện treo bảng biển nhận biết điểm bán hàng bình ổn giá, kèm theo danh mục hàng và giá niêm yết rõ ràng thì vẫn có siêu thị “quên” bảng biển, chỉ ghi tên hàng bình ổn trên tờ giấy A4, dán trên kệ hàng khiến khách hàng “đỏ mắt” tìm kiếm.

Giá bán vẫn cao

Điển hình là mặt hàng dầu ăn. Hapro Thành Công bình ổn giá các loại dầu ăn: Simply, Neptune… với giá bán tương ứng là 45.000 đồng và 44.000 đồng/chai 1 lít. Với can 2 lít, giá bán là 89.000 và 87.000 đồng/can. Tại Fivimart Lê Đức Thọ, dầu ăn Neptune 1 lít bán với giá 43.600 đồng/chai, 2 lít có giá 88.900 đồng/can; dầu Simply 1 lít giá 44.800 đồng/chai và 89.800 đồng/can 2 lít. Mức giá bán này cao hơn so với giá bán ngoài thị trường và rất ít khách hàng tìm mua hàng bình ổn giá.

Cụ thể, dầu ăn Neptune 1 lít đang được bán với giá phổ biến 43.000 đồng/lít và 85.000 đồng/2 lít; Dầu ăn Simply có giá 43.500-44.000 đồng/lít và 86.000 đồng/can 2 lít, thấp hơn trong siêu thị bình ổn giá khoảng 1.000 đồng/lít. Nếu siêu thị Intimex (Huỳnh Thúc Kháng) bán dầu ăn Simply loại can 5 lít với giá 213.000 đồng thuộc chương trình bình ổn thì tại siêu thị BigC bán giá 206.000 đồng/can tương ứng.

Bên cạnh đó, rau muống Đạo Đức Fivimart bán giá 12.700 đồng/kg; mồng tơi 12.500 đồng/kg; bí xanh và bí ngô 9.000 đồng/kg; Cà tím tròn 10.000 đồng/kg; dưa chuột Đạo Đức giá 11.900 đồng/kg, cao hơn từ 1.000-1.500 đồng/kg so với cùng loại rau ngoài thị trường.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đánh giá: “Cơ cấu mặt hàng bình ổn vẫn chưa nhằm vào đại đa số người dân, vẫn chưa đúng đối tượng. Hơn nữa, “năm thì mười họa”, hàng bình ổn mới được đưa về nông thôn, trong khi nhiều người dân nội thành đến giờ vẫn không biết “bình ổn giá” là gì, vì họ không quan tâm”. Chuyên gia thị trường khác lại có ý kiến, nên bỏ nhóm hàng thủy hải sản ra khỏi danh sách hàng bình ổn, vì sức mua của người dân với mặt hàng này không lớn.