Căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên

Bình Nhưỡng tuyên bố chiến tranh với Seoul

ANTĐ - CHDCND Triều Tiên ngày 30-3 tuyên bố rằng nước này đã bước vào giai đoạn chiến tranh với Hàn Quốc. Căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên tiếp tục leo thang kể từ khi Triều Tiên bị quốc tế trừng phạt vì tiến hành thử hạt nhân.

Hãng thông tấn Nhà nước Triều Tiên (KCNA): “Từ thời khắc này, mối quan hệ giữa Bắc-Nam sẽ bước vào tình trạng chiến tranh và tất cả các vấn đề miền Bắc và miền Nam sẽ được xử lý theo tình trạng này”. Tuyên bố cũng cảnh báo rằng mọi hành động gây hấn gần biên giới đất liền hay trên biển giữa hai miền Triều Tiên đều sẽ dẫn tới "một cuộc xung đột toàn diện và một cuộc chiến tranh hạt nhân".

Bộ chỉ huy tối cao Quân đội Nhân dân Triều Tiên tuyên bố, các tên lửa chiến lược của Triều Tiên đã được lệnh sẵn sàng tham gia tấn công ở cấp độ A, sẵn sàng tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có lục địa Mỹ, Hawaii và Guam với lời cảnh báo đầy sắc lạnh rằng: “Chỉ phát đạn đầu tiên cũng có thể khiến mọi thứ nổ tung và biến thành tro bụi”. 

Báo Rodong của Đảng Lao động Triều Tiên hôm qua đăng tải một số bức ảnh về cuộc họp khẩn cấp của các tướng lĩnh nước này cạnh tấm bản đồ ghi dòng chữ “Kế hoạch tấn công lục địa Mỹ của các lực lượng chiến lược”, trong đó nhà lãnh đạo Kim Jong-un phê duyệt kế hoạch đặt các lực lượng vũ trang nước này vào tình trạng sẵn sàng tấn công đất liền Mỹ. Trên tường của căn phòng nơi diễn ra cuộc họp là tấm bản đồ thể hiện các mũi tấn công vào đảo Hawaii và các căn cứ của Mỹ trên Thái Bình Dương. Các đường thẳng trên bản đồ dường như thể hiện đường bay dự kiến của tên lửa. Một bản đồ khác thể hiện khu vực bờ biển phía Tây của Mỹ và dường như thể hiện hoạt động của Hạm đội 7 của Mỹ trên Thái Bình Dương. Trong ảnh còn có màn hình lớn dường như liệt kê chi tiết sức mạnh hải quân Triều Tiên với các mục như: “Tàu ngầm: 40, tàu đổ bộ: 13, tàu quét thủy lôi: 6”.

Triều Tiên cũng đã công khai gửi thông báo lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó nói rằng, do Mỹ và Hàn Quốc “khiêu chiến hạt nhân” nên bán đảo Triều Tiên đang rơi vào trạng thái một cuộc chiến hạt nhân có thể nổ ra bất kỳ lúc nào.

Tình hình vượt khỏi kiểm soát ?

Tuyên bố hùng hồn và đầy quyết liệt nhưng liệu Triều Tiên có đủ khả năng "biến lời nói thành hành động" và thực sự sức mạnh quân sự của Triều Tiên có đủ sức đe dọa các quốc gia láng giềng hay không? Dù nhiều người vẫn tin rằng Chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai khó có thể xảy ra, nhưng những hành động ngày một cứng rắn của Bình Nhưỡng trong thời gian qua khiến những kịch bản về một cuộc chiến dần rõ nét.

Trước những động thái này, Bắc Kinh tiếp tục kêu gọi các bên kiềm chế về vấn đề trên bán đảo Triều Tiên và không chỉ trích việc Mỹ triển khai máy bay B-2. Trong khi đó, Nga đã lên tiếng cảnh báo căng thẳng ở Triều Tiên có thể vượt ra ngoài vòng kiểm soát và sẽ trượt vào vòng xoáy nguy hiểm, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố đã đến lúc “tính sổ” với Mỹ và đặt các đơn vị tên lửa trong tình trạng sẵn sàng khai hỏa. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng cảnh báo rằng Mỹ và Triều Tiên đang tham gia vào một trò chơi nguy hiểm. Ông Lavrov cho biết thêm điều cần thiết giờ đây không phải là củng cố sức mạnh quân sự, không phải là cái cớ để dùng các phương tiện quân sự nhằm đạt được “những mục tiêu địa chính trị”. Bình luận này được xem như là chỉ trích nhắm vào việc Mỹ đưa máy bay ném bom B-2 tới bán đảo Triều Tiên.

Khói lửa đạn pháo đã rợp trời Triều Tiên

Triều Tiên mới đây hủy Hiệp định đình chiến với Mỹ - văn kiện chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và sau đó cắt tất cả đường dây nóng với các lực lượng Mỹ, Liên hợp quốc và Hàn Quốc. Đường dây nóng quân sự vốn được thiết lập để đối thoại và hợp tác giữa hai miền. Việc cắt đứt đường dây này, đồng nghĩa với việc tất cả những mối liên lạc trực tiếp liên Chính phủ, quân sự đã bị ngưng trệ.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã lên tới mức báo động khi cả hai miền đều cho tiến hành tập trận quân sự bắn đạn thật và quy mô lớn khiến khói lửa đạn pháo rợp trời Triều Tiên. 

Mỹ đã điều hai siêu máy bay ném bom tàng hình B-2 tới Hàn Quốc để tham gia cuộc tập trận với quân đội nước này. Giới phân tích cho đây là cảnh báo cứng rắn tới Triều Tiên. Phi cơ ném bom B-2 được gọi là "bóng ma trên bầu trời", trung tâm của các hoạt động tác chiến đường không của quân đội Mỹ. B-2 có khả năng mang các loại vũ khí thông thường cũng như vũ khí hạt nhân. Hai siêu cơ này cất cánh từ căn cứ không quân Whiteman ở bang Missouri và bay hơn 6.500 dặm (hơn 10.000km) đến thả cơn mưa đạn xuống bãi thử Jikdo và sau đó quay về lục địa Mỹ trong chuyến bay không ngừng nghỉ.

Theo giới phân tích, việc Mỹ đưa B-2 tham gia tập trận - động thái phô diễn sức mạnh bất thường, chưa từng có trong tiền lệ trước đây của Mỹ khiến tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng hơn. Sự bất thường trong hành động của Mỹ là ở chỗ chi phí cắt cổ của việc đưa máy bay ném bom B-2 ra khỏi căn cứ ở Missouri để đi đe dọa, uy hiếp một chính quyền nhỏ bé ở bên kia địa cầu trong bối cảnh Lầu Năm Góc đang phải thắt chặt ngân sách của họ. Những chiếc máy bay ném bom B-2 tối tân và thiện chiến của Mỹ thực sự không được sử dụng nhiều một phần bởi vì trên thực tế, có ít mục tiêu cần phải huy động đến chiếc máy bay đắt đỏ có giá tới 3 tỷ USD này, và một phần là mỗi lần xuất kích, chiếc máy bay này tiêu tốn khoảng 135.000 USD/giờ - gần gấp đôi chi phí so với bất kỳ máy bay quân sự nào. Tính chung lại, mỗi chiếc máy bay ném bom tàng hình B-2 thực hiện phi vụ trên mất khoảng ít nhất 20,6 giờ bay, quy ra chi phí lên tới 5,5 triệu USD.

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên mỗi lúc bị đẩy cao. Quân đội cả hai miền đều được đặt trong tình trạng báo động và sẵn sàng chiến đấu sau một tuyên bố mạnh mẽ của Triều Tiên. Mỹ cũng đang cảnh giác sau khi Triều Tiên liên tục tuyên truyền về những đòn tấn công nhằm vào nước Mỹ cũng như tuyên bố đặt đơn vị pháo binh tầm xa vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu, chờ tấn công.