“Bình” nhưng phải ổn

ANTĐ - Có thể ghi nhận một “hiện tượng” khá hiếm hoi là Tết Nhâm Thìn này, người dân trên cả nước không phải “chóng mặt” vì giá cả hàng hóa leo thang hết nấc, nếu có nhích lên một hai giá cũng chấp nhận được. Ngoài lý do sức mua giảm vì lạm phát phải “thắt lưng buộc bụng”, phải thừa nhận hiệu quả của chính sách bình ổn giá đã được thực hiện khá bài bản từ mấy tháng trước tết.

Nhằm bình ổn giá cả, chính quyền Hà Nội, TP.HCM đã dùng tiền ngân sách địa phương ứng trước cho một số doanh nghiệp mua hàng dự trữ để bán với giá thấp hơn so với giá thị trường; vận động doanh nghiệp, hộ kinh doanh không tăng giá hàng hóa, dịch vụ. Muốn phá vỡ một quy luật tồn tại quá lâu cần phải có những tác động rất mạnh từ phía khách quan và chủ quan. Tác động khách quan là rõ ràng. Hàng tồn kho ứ đọng, chất đầy do lạm phát; hàng loạt các chương trình khuyến mãi rầm rộ ở thành thị, các đợt đưa hàng Việt về nông thôn... đã thỏa mãn nhu cầu mua sắm của người dân.

Trong khi đó, người tiêu dùng cũng đã bắt đầu “thấm thía” bài học về ý thức tằn tiện, đắn đo, lựa chọn khi mua sắm, tiêu dùng. Tuy nhiên, tác động chủ quan không thể phủ nhận là sự chuẩn bị nguồn hàng dự trữ phục vụ tết của các địa phương, các doanh nghiệp. Số tiền đầu tư từ quỹ bình ổn giá cũng như số lượng hàng chuẩn bị đều tăng nhiều lần so với nhu cầu, tức là cung vượt cầu. Hơn thế, các doanh nghiệp còn ký cam kết chốt giá bán ổn định, không chỉ khiến cho thị trường tránh được tình trạng “đói” hàng hóa, mà còn dẫn dắt thị trường vượt thoát quy luật “giá tết thì phải cao vọt”.

Dẫu vậy, giá cả hàng hóa trước, trong và ngay sau tết chỉ là phần nổi của thị trường. Trong “rổ” hàng hóa thì giá điện, giá xăng dầu luôn có sức nặng rất lớn làm nghiêng lệch hầu hết giá cả các loại hàng hóa khác, hơn thế còn tác động rất mạnh tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Trong khi hầu hết các doanh nghiệp đều phải chật vật xoay xở để cắt giảm chi phí nhằm ổn định giá thành sản xuất và giá bán, các ngành sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, thủy hải sản lao đao thì mặt hàng gần như độc quyền kinh doanh như xăng dầu, điện lại liên tục tăng giá với lý do kinh doanh thua lỗ. Nên nhớ là những mặt hàng này chính là “đầu vào” quyết định sự sống còn của ngành khác. Nếu cứ vin cớ “thua lỗ” như vậy, các ngành sản xuất kinh doanh cũng đồng loạt đòi tăng giá thì lấy gì để bình ổn giá cả thị trường?

Theo Vụ Thống kê giá, năm 2011, giá điện qua hai lần điều chỉnh đã tăng đến 24,29%, “góp phần” 0,6% vào mức tăng CPI. Còn giá xăng dầu qua hai lần tăng, ba lần giảm nhỏ giọt cũng “đóng góp” 1,1% vào mức tăng CPI. Rõ ràng những công cụ can thiệp thị trường của Nhà nước, thay vì giúp bình ổn giá cả thị trường lại gây tác động ngược. Lý do được đưa ra là những mặt hàng đó phải chuyển sang cơ chế thị trường, Nhà nước không thể bù lỗ mãi. Song kinh doanh theo giá thị trường thì tất yếu phải cạnh tranh. Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhà nước vẫn nắm độc quyền kinh doanh các mặt hàng thiết yếu thì làm gì có đối thủ cạnh tranh.

Trong thông điệp đầu năm mới 2012, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định rằng, cạnh tranh là thuộc tính của kinh tế thị trường. Một thị trường cạnh tranh cao có tác dụng kìm giữ giá tốt hơn sự kiểm soát giá của Nhà nước. Cạnh tranh buộc doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất, bảo đảm hiệu quả. Chỉ khi nào loại bỏ sự phân biệt đối xử tồn tại giữa các doanh nghiệp, giá cả thị trường mới thực sự “bình” và “ổn” vững chắc.