Bình đẳng giữa các chủng tộc vẫn là giấc mơ với nước Mỹ

ANTD.VN - Nhân dịp nước Mỹ tưởng niệm 1 năm vụ bạo lực giữa những người suy tôn da trắng và những người phản đối phân biệt chủng tộc tại thành phố Charlottesville, bang Virginia hồi năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng phản đối mọi hình thức phân biệt chủng tộc.

Bình đẳng giữa các chủng tộc vẫn là giấc mơ với nước Mỹ ảnh 1Một cuộc tuần hành tại New York phản đối nạn phân biệt chủng tộc

Trong tuyên bố trên trang Twitter, ông Donald Trump nhấn mạnh: “Các vụ bạo lực Charlottesville cách đây 1 năm đã dẫn tới những cái chết vô tội và sự chia rẽ. Chúng ta cần đoàn kết lại với nhau trong một quốc gia. Tôi lên án mọi hình thức phân biệt chủng tộc và các hành động bạo lực”.

Nước Mỹ luôn tự hào là miền đất hứa, là nơi để mọi người thuộc mọi màu da, chủng tộc tự do thực hiện Giấc mơ Mỹ - American Dream. Thế nhưng, đã hơn 150 năm kể từ khi chế độ nô lệ được bãi bỏ, hơn 50 năm trôi qua kể từ khi Đạo luật Quyền dân sự lịch sử (cấm phân biệt chủng tộc trong việc làm, giáo dục và nơi công cộng) được thông qua, nạn phân biệt chủng tộc vẫn là một “căn bệnh” trầm kha với nước Mỹ.

Mặc dù người da màu có những đóng góp nhất định cho xã hội, các quyền bình đẳng của người da màu đã có nhiều cải thiện nhưng vị thế của họ trong xã hội Mỹ có vẻ vẫn chỉ là nhóm “bên lề” xã hội. Tại Mỹ, người da đen chỉ có được những công việc ở mức trung bình như các công việc dọn dẹp, phục vụ tại các khách sạn, quán bar. Số lượng người da đen làm trong các văn phòng hay công ty lớn, dù có, vẫn chỉ là số ít. 

Một số liệu thống kê cho thấy: 2/3 trong tổng số 37% lao động Mỹ gốc Phi chỉ kiếm được những công việc đơn giản, được trả lương thấp hơn người da trắng. Người Mỹ gốc Phi chiếm 13% dân số (45 triệu người) nhưng trong các nhà tù thì lại chiếm tới 40%. Ngoài ra, cứ 1/15 trẻ em người Mỹ gốc Phi có cha mẹ từng ở tù, còn trẻ em da trắng là 1/111.

Đáng ngại hơn là sau nhiều thập kỷ gần như biến mất khỏi đời sống của người dân Mỹ, các tổ chức phân biệt chủng tộc hay thù hằn đã bất ngờ quay trở lại tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Luật người nghèo miền Nam Mỹ (SPLC), số lượng các nhóm người có tổ chức với tư tưởng chống người Hồi giáo trên nước Mỹ đã tăng lên gần gấp 3 lần trong năm 2016, từ 34 lên tới hơn 100 tổ chức. 

Số lượng các tổ chức thù ghét sắc tộc ở Mỹ gia tăng trong bối cảnh xuất hiện thêm hàng loạt các website ẩn danh mang tư tưởng tương tự. Điển hình như trang Daily Stormer, một website mang tư tưởng phát xít. Việc nhiều tổ chức có tư tưởng thù địch và phân biệt chủng tộc chuyển hướng hoạt động lên không gian mạng đã khiến cho giới phân tích khó có thể đưa ra kết quả chính xác về sự gia tăng tư tưởng thù hận ở nước Mỹ

Ủy ban Liên hợp quốc về xóa bỏ phân biệt chủng tộc đã từng phải lên tiếng cảnh báo Mỹ về sự gia tăng của các nhóm cực đoan và hận thù, đồng thời kêu gọi chính quyền Donald Trump “chắc chắn” loại bỏ vô điều kiện sự kỳ thị. Trong thập kỷ qua, chỉ có rất ít quốc gia bị cảnh báo như vậy, gồm Burundi, Iraq, Bờ Biển Ngà, Kyrgyzstan và Nigeria.

Năm 1960, nhà hoạt động nhân quyền da màu nổi tiếng Martin Luther King có bài diễn văn nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ” với khát vọng về một xã hội tự do, bình đẳng và bác ái cho mọi người Mỹ. Thế nhưng gần 60 năm sau, nạn phân biệt chủng tộc vẫn là một thách thức của nước Mỹ, đặt ra câu hỏi liệu Giấc mơ Mỹ về bình đẳng giữa các chủng tộc có thành hiện thực.