Bình chọn Lễ phục Nhà nước: Đã thống nhất được tiêu chí

ANTĐ - Những cuộc tranh luận nảy lửa để tìm ra tiêu chí thống nhất cho bộ lễ phục Nhà nước tưởng đã khép lại bằng cuộc phát động “Tuyển chọn thiết kế Lễ phục Nhà nước” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức vào sáng hôm qua, 1-8. Thế nhưng, ngay sau đó đã lại nảy sinh cuộc tranh luận khác.

Các cuộc tranh luận sẽ khó đi đến hồi kết nếu thiếu đi sản phẩm thực tế
của các NTK thời trang

Đề bài mở hay “ba phải”?

4 tiêu chí rõ ràng của cuộc thi về bộ lễ phục Nhà nước như: Mang tính biểu tượng văn hóa; Có tính thời đại và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam; Đẹp, thuận tiện, phù hợp trong nghi lễ quốc gia và quốc tế; Phù hợp với điều kiện khí hậu và vóc dáng người Việt Nam; Khuyến khích thực hiện bằng chất liệu truyền thống, sản xuất trong nước… được tổng hợp lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà sử học từ nhiều cuộc hội thảo diễn ra tại 3 miền Bắc-Trung-Nam. 4 tiêu chí cho bộ lễ phục Nhà nước đã không gặp phải sự phản ứng nào từ phía các nhà thiết kế thời trang và giới chuyên môn. Nhưng yêu cầu của cuộc thi hướng các nhà thiết kế đến với 4 mẫu lễ phục gồm: Mẫu lễ phục của nam theo hướng hiện đại, Mẫu lễ phục của nữ theo hướng hiện đại, Mẫu lễ phục của nam theo hướng truyền thống, Mẫu lễ phục của nữ theo hướng truyền thống đã lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều. 

Nếu như Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành cho đó là một đề thi mở, không giới hạn tư duy sáng tạo dành cho các nhà thiết kế thì họa sỹ Lê Thiết Cương lại cho đó là một đề thi “thừa”, chỉ nên ra một đề thi duy nhất. Đó là thống nhất bộ lễ phục Nhà nước nên đi theo hướng hiện đại hay truyền thống không nên “ba phải” như vậy. Họa sỹ Lê Thiết Cương còn nhấn mạnh, nếu là một nhà thiết kế thời trang, ông sẽ không tham dự cuộc thi này chỉ vì lý do: đề thi “mở”. Để làm dịu lại không khí của buổi phát động, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL 

Vương Duy Biên cho biết: “Các nhà thiết kế thời trang, các nhà nghiên cứu đóng góp được một bộ trang phục Nhà nước dành cho nam và nữ là tốt nhất. Tuy nhiên, sau rất nhiều cuộc “bàn ra tán vào”, đến giờ vẫn tồn tại 2 chiều hướng: thuần truyền thống và đổi mới cách tân theo hướng hiện đại. Vì vậy, BTC bàn đi tính lại nhiều lần và quyết định ra một đề thi theo cả hai hướng. 20 bộ trang phục lọt vào vào chung khảo sẽ trình diễn rồi mới đi đến quyết định cuối cùng. Nếu tìm ra một bộ trang phục dành cho nam và nữ vẫn tốt hơn, còn không thì sẽ là 2 bộ cho nam và 2 bộ cho nữ”. 

Không chọn Quốc phục… “cọc cạch”

Tranh luận đặt ra trường hợp, liệu có vì cái đẹp mà BTC sẽ chọn ra một bộ truyền thống cho nam và một bộ hiện đại cho nữ? Tuy vậy, ý kiến này đã bị dập tắt ngay, Thứ trưởng Vương Duy Biên phủ nhận trường hợp chọn lựa trang phục Nhà nước “cọc cạch” như vậy. Hơn thế, theo quan điểm cá nhân, nhà sử học Dương Trung Quốc lại tán thành đề thi “mở” của cuộc tuyển chọn mẫu trang phục Nhà nước, bởi nhìn sang các nước ở châu Á như Campuchia, Nhật Bản, bộ lễ phục của họ không bó hẹp trong 1 bộ lễ phục duy nhất mà luôn có tới có tới hai mẫu khác nhau. Vậy ở Việt Nam, trong những dịp lễ trọng đại của dân tộc nên có một bộ trang phục dành cho nam và nữ theo hướng truyền thống, còn trong các nghi lễ ngoại giao nên có một bộ trang phục dành cho nam và nữ theo hướng hiện đại. Chính vì vậy, cuộc phát động này đã làm nảy sinh tranh luận về chọn một bộ trang phục đi theo hướng hiện đại hoặc truyền thống hay hai bộ trang phục đi theo cả hai hướng này. 

Đứng về phương diện lý luận, các cuộc tranh cãi về lễ phục Nhà nước sẽ khó khép lại nếu thiếu đi những bộ trang phục được hiện thực hóa từ ý tưởng sáng tạo của các nhà thiết kế. Cái khó chính là việc tạo ra các sản phẩm thời trang đảm bảo 4 tiêu chí như đề bài ra. Chỉ khi vòng chung khảo của cuộc thi được tổ chức, các nhà nghiên cứu văn hóa và sử học mới đủ căn cứ để bình chọn và tìm ra các mẫu thiết kế trở thành lễ phục Nhà nước. 

Cuộc tuyển chọn thiết kế Lễ phục Nhà nước do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phát động nhằm tìm ra bộ lễ phục sử dụng trong các hoạt động quốc gia và quốc tế, nhằm tôn vinh, thể hiện ý thức tự hào dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, khẳng định vị thế độc lập của một quốc gia có nền văn hiến lâu đời. Bài dự thi gửi về Phòng Triển lãm-Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, số 38 Cao Bá Quát từ ngày 1-10 đến 5-10.