Bình bơm hơi, dễ chết người

ANTĐ - Cách đây ít ngày, một bé trai ở TP Hồ Chí Minh đã tử vong do bình bơm hơi phát nổ. Đây không phải là vụ tai nạn đầu tiên liên quan đến bình bơm hơi, song cả cơ quan chức năng và người dân dường như vẫn còn khá thờ ơ trước sự nguy hiểm của những “quả bom”này…

Bình bơm hơi xuất hiện khá nhiều trong cửa hàng sửa xe máy

Phập phù chất lượng

Vào tháng 4-2012, ông Phùng Nhựt Luân (49 tuổi) khi đến chơi một hiệu sửa xe trên đường Đặng Văn Ngữ (phường 14, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) thì chiếc bình hơi bơm xe đang sạc trong cửa hàng bỗng phát nổ. Ông Luân bị nắp bình hơi bay trúng đầu, tử vong tại chỗ. Sau đó 2 tháng, ông Ngô Hùng Dũng (42 tuổi) làm nghề bán bóng cho các nhà hàng, khách sạn khi mang bình bơm hơi tự chế ra trước nhà (ở phường 13, quận 4, TP Hồ Chí Minh) bơm bóng giao cho khách cùng 1 thanh niên thì bất ngờ bình hơi phát nổ khiến cả hai người văng ra xa. Hậu quả là ông Dũng tử vong, còn người thanh niên kia thì bị thương khá nặng.

Gần đây nhất, sáng 4-6, tại cửa hàng vá săm lốp ô tô của gia đình ông Nguyễn Ngọc Đức ở trên đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (đoạn qua thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) trong khi ông Đức đang nạp khí nén vào bình bơm hơi thì chiếc bình này phát nổ. Bé Phúc, 13 tuổi, con trai ông Đức đã chết tại chỗ, thi thể không còn nguyên vẹn. Khi phát nổ, chiếc bình bơm hơi này còn khiến hàng rào đường dẫn vào đường cao tốc bị hất tung, bản thân chiếc bình bị vỡ tung thành nhiều mảnh, nắp bay xa 300m. 

Tuy ở Hà Nội chưa xảy ra trường hợp tử vong, song hàng loạt vụ tai nạn nói trên cũng khiến người dân Hà Nội tỏ ra bất an. Dạo một vòng qua các con phố có nhiều cửa hàng sửa xe máy như phố Đội Cấn, Hoàng Hoa Thám, Hai Bà Trưng… chúng tôi thấy  những bình bơm hơi cỡ lớn xuất hiện khá nhiều. Hầu hết những chiếc bình này đều đã cũ, bị hoen gỉ, được đặt trong các cửa hàng hay ở trên vỉa hè, còn chất lượng ra sao thì chỉ các chủ cửa hàng mới biết?!

Tại một cửa hàng sửa xe trên phố Đội Cấn, quận Ba Đình trong vai khách hàng đi bơm xe, khi chúng tôi đặt câu hỏi với chủ cửa hàng: “Liệu những chiếc bình hơi này có an toàn” thì nhận được câu trả lời: “Bình dùng gần chục năm rồi, đã bao giờ xảy ra sự cố gì đâu. Mà cũng chẳng có cơ quan nào kiểm định chất lượng nên không biết bình dùng đến khi nào thì nên bỏ”. Còn chị Lê Thùy Minh – người dân sống sát cửa hàng sửa xe này cho hay, chị mới biết thông tin về vụ tai nạn nổ bình hơi qua báo chí nên cũng hơi lo lắng. Tuy vậy, do cửa hàng nhỏ, việc sử dụng bình hơi là bắt buộc nên gia đình chị cũng không thể yêu cầu chủ cửa hàng chuyển bình đi nơi khác. 

Theo một chủ cửa hàng sửa chữa xe máy trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, với những cửa hàng nhỏ, họ chỉ cần bỏ ra 2-3 triệu đồng là có được một bình hơi loại 7-8 kg cũ, được tút tát lại. Do giá rẻ nên van an toàn của những chiếc bình này hay gặp trục trặc, không có tác dụng trong việc ngắt khi bình đã đầy hơi nên dễ phát nổ. 

Không thể đùa với “bom hơi” tự chế

Theo quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn bình chịu áp lực do Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (QTKĐ 08:2008/BLĐTBXH) thì các bình chứa khí (bình bơm hơi) phải đảm bảo những tiêu chuẩn bắt buộc và tiến hành các bước kiểm định, kiểm tra kỹ thuật an toàn trước khi đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có các công ty, doanh nghiệp mới thực hiện việc kiểm định chất lượng còn các cửa hàng nhỏ lẻ hầu như không quan tâm đến vấn đề này. Mặc dù theo quy định, nếu cá nhân sử dụng bình bơm hơi không kiểm định sẽ bị xử phạt 15-20 triệu đồng, nhưng những người sử dụng bình phần lớn có điều kiện kinh tế khó khăn nên hầu như họ không có khả năng nộp phạt.

Ông Nguyễn Xuân Bình - chủ một cửa hàng chuyên sửa chữa ô tô xe máy trên phố Hàng Muối, quận Hoàn Kiếm cho biết, để đầu tư một bình bơm hơi mới đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, có van an toàn, hệ thống rơ le ngắt tự động, các chủ cửa hàng phải bỏ ra từ 8-9 triệu đồng. Hiện trên thị trường bình bơm hơi có rất nhiều loại của Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản,... song phần lớn loại bình được các chủ cửa hàng sử dụng hiện nay có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc bình “tự chế”. Loại bình hơi này được một số chủ cửa hàng tân trang lại từ các bình cũ, đem hàn lại gắn thêm máy.

Cũng theo ông Bình, các loại bình bơm hơi, bình nén khí nằm trong danh mục thiết bị đòi hỏi nghiêm ngặt về an toàn lao động. Bình bơm hơi an toàn là loại bình có đầy đủ thông số kỹ thuật ghi trên vỏ bình và phải có van an toàn. Khi sạc hay bơm hơi cho động cơ nếu đủ 8-12kg, bình sẽ tự động ngắt. Tuy nhiên, những trường hợp nổ bình bơm hơi xảy ra gần đây có thể do van an toàn bị hỏng hoặc bình không có những thông số kỹ thuật an toàn khi vận hành nên bị quá tải. 

Về nguyên lý của bình bơm hơi, ông Dương Đình Thắng- Kỹ sư điện máy- Nhà máy Xe lửa Gia Lâm nhận xét, việc thực hiện các yêu cầu an toàn đối với thiết bị nén khí sản xuất hàng loạt cần phải được kiểm tra trong quá trình thử giao nhận và thử định kỳ. Những máy bơm hơi an toàn phải qua quá trình kiểm tra theo “Qui phạm kỹ thuật an toàn máy nén khí” và “Qui phạm sử dụng bình chịu áp lực” của cơ quan thẩm định và có đủ hồ sơ kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện nay nhiều loại bình bơm hơi không rõ nguồn gốc, không có thông số kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng an toàn tiềm ẩn nguy cơ phát nổ, gây hậu quả khôn lường. Do vậy các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp bán và sử dụng bình bơm hơi không đảm bảo chất lượng, đồng thời cần có ban hành hướng dẫn cụ thể đối với việc sử dụng bình hơi an toàn cho người sử dụng được biết. 

Hướng dẫn sử dụng an toàn máy nén khí

- Khi vận hành bình chứa khí nén nên thường xuyên kiểm tra tình trạng của máy, hoạt động của các dụng cụ kiểm tra đo lường như: áp kế, van an toàn, rơ le khống chế áp suất. Vận hành theo nội quy an toàn của đơn vị kiểm định.

- Cần rửa sạch lưới lọc gió của máy nén hai tháng một lần để đề phòng bụi và tạp chất lọt vào theo đường hút của máy. Tuyệt đối không hàn, sửa chữa bình và các bộ phận chịu áp lực của bình trong khi đang còn áp suất, không thêm vật nặng hoặc dùng bất cứ biện pháp gì thêm tải trọng của van an toàn khi bình đang hoạt động. Không được sử dụng bình vượt quá thông số kỹ thuật do cơ quan kiểm định kỹ thuật an toàn cho phép.

Khi áp suất trong bình tăng vượt mức cho phép hay phát hiện thấy các bộ phận chịu áp lực chính của bình có vết nứt, phồng, gỉ mòn, nước ở các mối nối, mối hàn, các miếng đệm bị xé,… thì phải ngừng sử dụng máy. Mặt khác, máy phải được đặt trên mặt phẳng, tránh mưa nắng, bảo đảm thông gió và tránh bụi. Không được đặt máy nén khí ở gần chất dễ nổ, dễ cháy, đặt máy xa nguồn nhiệt…

Kỹ sư Dương Đình Thắng