Biểu tượng sáng ngời đại đoàn kết toàn dân

(ANTĐ) - Kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước và đoàn kết của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã chủ trương đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ trong Mặt trận Dân tộc thống nhất để cùng nhau chống kẻ thù chung vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11-1930/18-11-2010)

Biểu tượng sáng ngời đại đoàn kết toàn dân

(ANTĐ) - Kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước và đoàn kết của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã chủ trương đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ trong Mặt trận Dân tộc thống nhất để cùng nhau chống kẻ thù chung vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Giữa lúc cao trào cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đang diễn ra sôi nổi và rầm rộ trong cả nước, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị về vấn đề thành lập Hội Phản đế Đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Hội Phản đế Đồng minh ra đời đã gây được cao trào phản đế mạnh mẽ trong cả nước, có ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn của Đảng ta trong quá trình tổ chức và xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất.

Năm 1941, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến chuyển. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước để trực tiếp cùng Trung ương lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám để xem xét các chủ trương, chính sách của Đảng. Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh bao gồm các hội cứu quốc của các tầng lớp nhân dân. Hội nghị vạch rõ chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm. Đại hội Quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập họp ở Tân Trào trong 2 ngày 16 và 17-8-1945 đã nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa do Đảng Cộng sản kiến nghị, thông qua lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh quyết định Quốc kỳ, Quốc ca. Chỉ trong vòng 2 tuần lễ chính quyền địch hoàn toàn sụp đổ, Ủy ban nhân dân lâm thời được thành lập khắp các địa phương trong cả nước. Ngày 2-9-1945 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, để đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của Mặt trận Dân tộc thống nhất, Bác Hồ và Trung ương Đảng chủ trương vận động thành lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt). Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 29-5-1946 Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tuyên bố thành lập. Ngày    3-3-1951, Đại hội toàn quốc Mặt trận Thống nhất Việt Minh - Liên Việt lấy tên là Mặt trận Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt) được tiến hành. Quá trình kháng chiến toàn dân, toàn diện làm cho Mặt trận Dân tộc thống nhất không ngừng lớn mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

Ngày 10-9-1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua Cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Ngày 20-4-1968, trên cơ sở thắng lợi và khí thế của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời với bản Cương lĩnh thích hợp nhằm đoàn kết, tranh thủ thêm tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở thành thị nhưng chưa tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã mở rộng thêm một bước Mặt trận chống Mỹ cứu nước, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Sau khi thống nhất đất nước, từ ngày 31-1 đến 4-2-1977, tại thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam quyết định thống nhất 3 tổ chức Mặt trận ở hai miền lấy tên chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là Đại hội lịch sử, biểu dương thắng lợi to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, là cái mốc đánh dấu bước phát triển mới của Mặt trận Dân tộc thống nhất trong giai đoạn mới của cách mạng.

Xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay nêu cao vai trò, trách niệm của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đại hội lần thứ VII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề ra là: Tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tạo thành sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, lần thứ XI; giữ vững độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Lê Hiển