Biểu tình toàn cầu kêu gọi giải cứu các nữ sinh Nigeria bị bắt cóc

ANTĐ - Những người biểu tình đã trở lại đường phố vào chủ nhật (4-5) để tạo thêm áp lực quốc tế đối với Nigeria trong việc giải cứu hơn 200 nữ sinh bị bắt cóc bởi các chiến binh Hồi giáo Boko Haram tháng trước.

Số lượng người biểu tình trong đám đông từ Los Angeles (Mỹ) tới London (Anh) đã tăng đột biến, họ mang theo áp phích, khẩu hiệu có dòng chữ “BringBackOurGirls” (Hãy trả lại những cô gái) - một chiến dịch bắt đầu trên Twitter sau khi vụ bắt cóc hàng loạt các cô gái Nigeria xảy ra vào tháng trước. Tại Washington (Mỹ), người biểu tình đã tập trung tại Đài tưởng niệm Lincoln để tố cáo hành động “kém cỏi”  của chính phủ Nigeria trong việc giải cứu cô gái.

Hôm chủ nhật (4-5), khoảng 100 người biểu tình tụ tập bên ngoài Cao Ủy Nigeria ở London, họ hô vang khẩu hiệu "Hãy trả lại những cô gái”, “không được buôn bán phụ nữ” để thể hiện sự bức xúc của mình. Đám đông chủ yếu là nữ, từ cô gái trẻ để phụ nữ lớn tuổi, họ mang theo các biểu ngữ có dòng chữ: "Đây là những chị em của chúng tôi" và "Không có đứa trẻ nào sinh ra để bị giam giữ".

Cuộc biểu tình một lần nữa diễn ra ở London

Giáo viên Leyla Chery ở London, một trong những người tham dự cuộc biểu tình với con gái 8 tuổi của mình, nói với CNN rằng: "Thực sự rất quan trọng khi tất cả mọi người cùng làm điều gì đó, chúng tôi có cách để tìm kiếm các cô gái, nhưng chúng tôi không đủ sức để thực hiện và chính phủ Nigeria không có quyết tâm tìm kiếm các cô gái bị mất tích. Vì vậy, bằng việc biểu tình chúng tôi sẽ kêu gọi chính phủ nước này có trách nhiệm hơn với người dân của họ”.

Các chiến dịch truyền thông xã hội cũng có sự góp mặt của những người nổi tiếng như ca sĩ Mary J. Blige, Malala Yousafzai – người được đề cử giải Nobel Hòa bình, nữ sinh Pakistan - người đã hồi phục kỳ diệu sau khi bị Taliban bắn vào đầu, hình ảnh của họ được đặt cạnh dòng chữ “BringBackOurGirls”.

Chiến dịch truyền thông xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến vụ bắt cóc

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan đẩy mạnh nỗ lực tìm kiếm các cô gái, những người bị bắt cóc vào ngày 16-4 tại một trường học ở Chibok, phía đông bắc nông thôn của đất nước.

Matilda Egere-Cooper, một trong những người gốc Nigeria cho biết cô muốn nâng cao nhận thức về thảm họa ở Nigeria. "Tôi nghĩ rằng nó rất quan trọng nên chính phủ Nigeria cần làm nhiều hơn nữa trong việc tìm kiếm những người phụ nữ, chúng tôi ở đây với mong muốn sẽ đảm bảo cho các cô gái được trả về với gia đình họ".

Phát biểu trong chuyến thăm thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, Kerry kêu gọi chính phủ Nigeria có trách nhiệm trước công lý: "Các vụ bắt cóc hàng trăm trẻ em của Boko Haram là một tội ác vô lương tâm, chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để hỗ trợ chính phủ Nigeria nhằm trả các cô gái về nhà của họ và bắt các tội phạm phải chịu tội trước pháp luật”.

Boko Haram dịch ra có nghĩa là "giáo dục phương Tây là một tội lỗi", nhóm này đặc biệt phản đối việc học tập của phụ nữ. Theo luật Sharia, phụ nữ nên ở nhà nuôi con và chăm sóc chồng của họ chứ không phải ở trường để học đọc và viết.

Theo thông tin, các thành viên vũ trang của Boko Haram đã khống chế các nhân viên bảo vệ tại trường Chibok, kéo các cô gái ra khỏi giường ngủ và ép họ vào xe tải. Đoàn xe tải sau đó biến mất vào khu rừng rậm giáp Cameroon.

Chính quyền Nigeria cho biết có 276 cô gái bị bắt cóc, có khoảng  53 người đã trốn thoát, hiện vẫn còn 223 cô gái  trong tay của những kẻ bắt cóc.