Biểu tình tại Hong Kong: Trung Quốc rơi vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan"?

ANTD.VN - Hàng triệu học sinh, sinh viên và người dân Hong Kong (Trung Quốc) ngày 12-6 đã xuống đường biểu tình phản đối Dự luận dẫn độ. Mặc dù 3 hôm sau, Trường Đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) tuyên bố tạm hoãn việc thông qua Dự luật, song đoàn người biểu tình vẫn không chịu rút lui khi ngày 16-6, hơn 2 triệu người Hong Kong lại xuống đường. Lần này, bà Lam mới tuyên bố hoãn vô thời hạn việc thông qua dự luận, đằng sau rất có thể là những tính toán của Bắc Kinh.

Biến động tại Hong Kong

Tình hình chính trị nổi bật tại Hong Kong trong khoảng thời gian vừa qua liên quan đến việc thảo luận thông qua dự luật dẫn độ mới. Cụ thể, chính quyền Đặc khu Hong Kong đang cố gắng thông qua một đạo luật về việc cho pháp dẫn độ sang Trung Quốc, nhằm mục đích dẫn độ các cá nhân mang quốc tịch Trung Quốc phạm tội ngoài phạm vi lãnh thổ nhưng bị bắt ở Hong Kong sang Trung Quốc đề xét xử.

Theo quy định của pháp luật Hong Kong, Toàn án không thể xét xử các hành vi phạm tội ngoài lãnh thổ Hong Kong. Tuy nhiên, một bộ phận lớn công dân Hong Kong nói riêng và quốc tế nói chung quan ngại rằng, dự luật dẫn độ này có thể làm thay đổi cơ bản mối quan hệ của khu vực với Trung Quốc cũng như khả năng Trung Quốc sử dụng các quy định trong luật này để trấn áp các nhà hoạt động xã hội, bất đồng chính kiến.

Để phản đối việc thông qua dự luật, những ngày qua hàng triệu người dân Hong Kong đã xuống đường biểu tình để phản đối dự luật. Ngoài ra, dư luận trong và ngoài khu vực cũng có những động thái liên quan về dự thảo luật dẫn độ.

Hàng trăm ngàn người xuống đường biểu tình ở Hong Kong ngày 9-6 (Nguồn: Reuters)

Tại Hong Kong: Người dân Hong Kong kêu gọi đình công và các phương tiện giao thông di chuyển chậm; nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ thống nhất sắp xếp thời gian làm việc linh hoạt để nhân viên có thể tham gia biểu tình phản đối dự luật. Trước làn sóng biểu tình, Trưởng Đặc khu Lâm khẳng định "đây là dự luật cực kỳ quan trọng giúp duy trì công lý và bảo đảm Hong Kong thực thi các nghĩa vụ quốc tế trong vấn đề tội phạm xuyên quốc gia".

Theo bà Lâm, đám đông tham gia biểu tình là bằng chứng cho thấy quyền tự do ngôn luận vẫn được bảo đảm ở Hong Kong, đồng thời cho rằng, các nhà lãnh đạo Đặc khu đã nhượng bộ rất nhiều để dự luật không liên quan tới những vụ án chính trị. Giới chức Hong Kong nhấn mạnh, không phải mọi yêu cầu dẫn độ đều tự động được đáp ứng nếu dự luật này có hiệu lực. Các thẩm phán tại Hong Kong sẽ đóng vai như những "người gác cổng", quyết định có chấp nhận dẫn độ hay không trong các phiên tòa và bị cáo có thể kháng cáo.

Tuy nhiên, một số thẩm phán cho rằng, việc chính phủ Trung Quốc ngày càng có quan hệ chặt chẽ với Hong Kong và phạm vi điều trần dẫn độ hạn chế sẽ khiến họ phải đối mặt với áp lực chính trị từ chính quyền Bắc Kinh. Ngoài ra, trước áp lực của làn sóng biểu tình, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Hong Kong, ông Andrew Leung dự kiến lùi thời gian thảo luận cũng như bỏ phiếu lại, bản thân bà Lam cũng tuyên bố toạn hoãn vô thời hạn việc thông qua dự luật trên.

Người biểu tình xuống đường cả vào ban đêm tại Hong Kong ngày 9-6. (Nguồn: Reuters)

Theo giới chuyên gia, chính quyền Bắc Kinh đồng ý hoãn việc thông qua dự luật xuất phát từ một số tính toán sau:

Thứ nhất, tránh để Hong Long trở thành công cụ của các thế lực nước ngoài, vũ đài đấu tranh tiếp theo giữa hai cường quốc Mỹ-Trung. Trong cách nhìn của Bắc Kinh, hiện là giai đoạn nhạy cảm của cuộc chiến thương mại với Mỹ, cộng thêm khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ có thể gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản từ ngày 28 đến 29-6 tới đây, cho nên, sự kiện ở Hong Kong chắc chắn sẽ trở thành chủ đề để Mỹ/phương Tây "công kích" Trung Quốc.

Nếu quốc tế vẫn dậy sóng trong vấn đề Hong Long, ông chủ Nhà Trắng có thể biến Hong Kong thành "quân bài mặc cả" mới để đe dọa Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ cũng là nước có quan hệ đặc biệt với Hong Kong, không chỉ ở khía cạnh thương mại, nếu sau này bắt tay phối hợp với Anh và lực lượng bên trong Hong Kong, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực tăng gấp bội.

Thứ hai, Trung Quốc có thể cho rằng, con bài chính trị hiện nay là không thể lùi, nhất thiết phải thông qua dự luật nếu không việc quản trị Đặc khu hành chính này và quyền uy của Trung ương đều bị tổn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên, số lượng người tham gia biểu tình đã vượt dự kiến của các bên, tới mức tạo ra áp lực lớn, tới mức vượt qua cả cuộc biểu tình phản đối Điều 23 Luật Cơ bản năm 2003 và Phòng trào "Chiếm lĩnh Trung tâm năm 2014" do Hoàng Chi Phong (lúc đó mới 17 tuổi) lãnh đạo, cho thấy năng lực tổ chức động viên khó có thể tưởng tượng của phe phán đối ở Hong Kong, cũng như vai trò hỗ trợ của dư luận quốc tế.

Các nước Mỹ/phương Tây: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết, Mỹ bày tỏ quan ngại về diễn biến ở Hong Kong, cảnh báo rằng dự luật dẫn độ có thể ảnh hưởng đến tình trạng đặc biệt mà đặc khu này được hưởng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hạ viện bà Nancy Pelosi cũng đăng thông điệp trên website chính thức của Hạ viện Mỹ, trong đó chia sẻ rằng, nước Mỹ luôn đứng về phía người dân Hong Kong. Bà Nancy khẳng định, dự luật sẽ đặt mối quan hệ giữa Mỹ và Hong Kong vào tình trạng nguy hiểm hơn bao giờ hết và giúp Trung Quốc tiến hành bắt giữ bất kỳ ai từ bất kỳ ngành nghề nào mà Chính quyền Trung Quốc đưa vào "danh sách đen" một cách hợp pháp.

Một người biểu tình giơ khẩu hiệu trước hàng rào cảnh sát (Nguồn: Sputnik)

Nhiều nhận định của quan chức Mỹ cho rằng, dự luật có nguy cơ gây tổn hại đến môi trường kinh doanh ở Hong Kong và khiến công dân Mỹ cư trú hoặc đến Hong Kong phải chịu ảnh hưởng từ hệ thống tư pháp khó lường của Trung Quốc; thậm chí một số nghị sỹ Mỹ đã kêu gọi Washington thay đổi chính sách coi Hong Kong là "thực thể tách biệt" so với phần còn lại của Trung Quốc trong các vấn đề thương mại và kinh tế (theo Đạo luật Chính sách Mỹ-Hong Kong năm 1992), vì Bắc Kinh ngày càng có ảnh hưởng chính trị tại Hong Kong.

Nếu lời kêu gọi này thành hiện thực, nó sẽ gây tác động kinh tế đáng kể với cả Mỹ và Trung Quốc. Hiện có khoảng 13.000 doanh nghiệp Mỹ đặt văn phòng tại Hong Kong và một số công ty nhà nước Trung Quốc được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Thống đốc Anh cuối cùng của Hong Kong trước khi thành phố này được bàn giao lại cho Trung Quốc, ông Chris Patten cho biết, đây là một đòn đánh khủng khiếp vào luật pháp, sự ổn định và an ninh của Hong Kong, ảnh hưởng đến vị thế của Hong Kong là một trung tâm tài chính trên toàn cầu. Trên trang Nhà Trắng còn xuất hiện 2 thỉnh nguyện thư về tình hình liên quan dự luật dẫn độ bao gồm:

(1) Đề nghị hủy bỏ quyền công dân Mỹ và thị thực của các quan chức Trung Quốc và Hong Kong ủng hộ dự luật dẫn độ mới. Trong ngày 13-6 chiến dịch đã đạt được gần 140.000 chữ ký trực tuyến, vượt mốc 100.000 chữ ký theo quy định, nhiều khả năng sẽ sớm nhận được phản hồi từ Chính phủ Mỹ.

(2) Đề nghị có các biện pháp trừng phạt đối với những bên có liên quan đến việc sửa đổi và thông qua dự luật ở Hong Kong (hiện đã thu thập được gần 50.000 chữ ký).

Phản ứng của Trung Quốc 

Ngày 11-6, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định: "Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Chính quyền Hong Kong. Một số quốc gia đã có những bình luận thiếu trách nhiệm về dự luật sắp được đưa ra tranh luận. Chúng tôi cực lực phản đối mọi sự can thiệp từ bên ngoài với vấn đề lập pháp ở Đặc khu này".

Ngoài ra, theo tờ China Daily cho biết: "Một số thế lực bên ngoài đang chớp thời cơ để thúc đẩy chiến lược làm tổn thương Trung Quốc bằng cách cố gắng tạo ra sự hỗn loạn ở Hong Kong", "bất kỳ người công tâm nào cũng thừa nhận rằng, dự luật sửa đổi là một văn bản hợp pháp nhằm củng cố luật pháp của Hong Kong và thực thi công lý. Thật đáng tiếc khi một số cư dân Hong Kong đã bị phe đối lập và các nước phương Tây dắt mũi để ủng hộ chiến dịch phản đối dẫn độ.

Tờ Nhân dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng, các nhóm đối lập Hong Kong và những thế lực quốc tế ủng hộ đã thổi phồng chính trị về một hoạt động lập pháp bình thường của Đặc khu này, rằng chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong và dư luận chính thống đã nỗ lực hết mình vì luật pháp và chính nghĩa để đảm bảo an toàn cho người dân, tuyệt đối sẽ không từ nỏ nửa chừng.

Biểu tình ôn hòa đêm 9-6 tại Hong Kong (Trung Quốc) đã trở thành cuộc đụng độ giữa người dân và cảnh sát. (Nguồn: Reuters)

Giới quan sát quốc tế dự báo, nếu dự luật dẫn độ mới được chính quyền Hong Kong thông qua, sẽ tác động đến các bên có mối quan hệ với Hong Kong, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Đối với Mỹ, xuất hiện những nguy cơ về an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế của Mỹ, xâm phạm đến những điều khoản trong Hiệp ước chung giữa Mỹ và Hong Kong năm 1992.

Đặc biệt, nếu thông qua sẽ làm giảm danh tiếng của Hong Kong với vị trí là địa điểm an toàn cho Mỹ và các hoạt động kinh doanh quốc tế cũng như đặt ra những nguy cơ tiềm ẩn cho cư dân Mỹ sinh sống tại Hong Kong trong tương lai. Đối với Trung Quốc, sẽ thúc đẩy chính quyền Bắc Kinh tiếp tục tăng cường các hoạt động xâm lấn vào quyền tự trị và đảm bảo tự do của Hong Kong. Đặc biệt, dự luật giống như một vũ khí để Trung Quốc hợp pháp hóa việc xâm nhập vào vấn đề nội bộ của Hong Kong.

Theo kế hoạch, tháng 7 tới đây sẽ diễn ra vòng bỏ phiếu cuối cùng đối với dự luật dẫn độ này. Dự luật có khả năng làm thay đổi luật ở Hong Kong, trong đó sẽ cho phép các hoạt động dẫn độ đặc biệt đến Trung Quốc và hơn 100 quốc gia mà không có Hiệp định dẫn độ chung với Hong Kong thông qua việc trao quyền cho Đặc khu trưởng trong việc đưa ra quyết định về dẫn độ bất kỳ cá nhân nào từ lãnh thổ Hong Kong sang các quốc gia khác hiện không có Hiệp định dẫn độ với khu vực tự trị này.