Biểu hiện của lòng dũng cảm

ANTĐ - Hôm vừa rồi có một giám đốc người Nhật cùng toàn thể công nhân của mình lên truyền hình xin lỗi người dân khiến tôi thán phục quá.

- Họ làm hàng giả, hay trộn hóa chất độc hại vào hàng hóa bị phát hiện mà phải lên truyền hình xin lỗi thế hả bác?

- Không. Họ xin lỗi vì sau 15 năm sản xuất và kinh doanh kem đến nay do nguyên vật liệu đắt đỏ nên họ buộc phải tăng giá chút đỉnh. Họ sợ người tiêu dùng không hài lòng.

- Nếu chỉ vì lý do đó thì ở Việt Nam không biết bao nhiêu doanh nghiệp phải xin lỗi khách hàng bởi tình trạng tăng giá vô tội vạ, bất chấp chữ tín. Vậy mà tôi chưa bao giờ thấy ai ngỏ lời xin lỗi cả.

- Mấy bữa trước có ông Bộ trưởng đã lên báo xin lỗi vì đã lỡ lời, phát ngôn coi thường dân trên nghị trường Quốc hội đấy thôi.

- Nhưng hiếm hoi lắm.

- Sao quan chức nhà mình kiệm lời xin lỗi thế nhỉ?

- Chắc họ coi lời xin lỗi là sự tổn hại danh dự ghê gớm.

- Tôi lại coi lời xin lỗi là một hành vi văn minh. Đó chính là biểu hiện của lòng dũng cảm, là tinh thần trách nhiệm của bản thân người mắc lỗi với cộng đồng. Vậy chúng ta phải làm gì trước thực trạng này?

- Chẳng cần những kế hoạch hay chiến lược gì to tát đâu. Nếu muốn xã hội ổn định và phát triển, việc đầu tiên là phải nâng cao ý thức nhận lỗi của cán bộ. Việc thứ hai là mọi công chức phải biết nở nụ cười tạo sự gần gũi với công chúng. Khi có được sự yêu quý của nhân dân, có việc gì mà ta không làm được chứ.