Biểu giá điện sinh hoạt: Dùng nhiều điện phải chịu giá cao?

ANTĐ - Sáng 22-9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức lấy ý kiến đại diện cơ quan quản lý, các chuyên gia, hiệp hội về dự thảo “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện”  trước khi báo cáo Bộ Công Thương. Theo các chuyên gia, vẫn nên giữ cách tính giá bán lẻ điện sinh hoạt theo bậc thang. 
Biểu giá điện sinh hoạt: Dùng nhiều điện phải chịu giá cao? ảnh 1

Thiếu điện sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế

Cần hạ thấp chênh lệch giá

Trình bày 3 phương án trong biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, ông Nguyễn Tiến Thỏa - đại diện Công ty TNHH Tư vấn quản lý và phát triển Việt Nam (CMD) cho biết, việc cải tiến cơ cấu biểu giá điện căn cứ vào thực trạng sử dụng điện tại Việt Nam, có tham khảo kinh nghiệm của quốc tế. “Nguyên tắc là sắp xếp lại mức giá cho phù hợp, không làm tăng giá bán điện bình quân, không tăng doanh thu của ngành điện.

Bên cạnh đó, sẽ giảm bù chéo giữa các đối tượng khách hàng, thu hẹp khoảng cách giá áp dụng tương ứng từng bậc thang, hạn chế đến mức thấp nhất việc xáo trộn các mức giá cụ thể”. Bình luận về 3 phương án giá điện của EVN, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, chỉ đơn vị tư vấn đưa ra các phương án giá điện là không đủ, mà cần sự tham gia của đại diện các ngành kỹ thuật.

Thêm nữa, phương án 1 giữ nguyên 6 bậc đã bị người dân than phiền nhiều thời gian qua mà tư vấn vẫn đưa vào là “hơi bảo thủ”. Ông Ngô Trí Long nói: “Nên dùng phương án bậc thang lũy tiến. 6 bậc hay 15 bậc cũng được vì phần mềm máy tính sẽ tính được hết, nhưng vấn đề là cần khắc phục nhược điểm của phương án 6 bậc. Trong 6 bậc hiện nay, 2 bậc đầu có giá thấp hơn so với giá bình quân 5,1% và 2,3%. Từ bậc 3 đến bậc 6, giá điện cao hơn mức bình quân quá lớn. Nên để mỗi bậc cách nhau khoảng 150 kWh và rút bớt chênh lệch giá giữa các bậc. Bậc cao nhất nên để từ 600kWh trở lên, thay vì 400kWh như hiện nay”. 

Phải đảm bảo quyền lợi của số đông

GS. VS Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng: “Áp giá bán cao cho những người sử dụng nhiều điện là thích đáng. Ngoài ra, giá điện sinh hoạt cũng cần phân theo thời điểm sử dụng, phí công suất…”. Theo vị chuyên gia này, để bao nhiêu bậc thang giá điện không quan trọng, vì tổng doanh thu từ điện sinh hoạt đã được xác định, nhưng nên để 5 bậc thang giá điện, trong đó, gộp 2 bậc đầu tiên trong biểu giá 6 bậc hiện nay làm một và cứ 100kWh thì tăng một bậc cho dễ nhớ. 

GS Nguyễn Quang Thái - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam khẳng định, không có phương án điều chỉnh giá nào mà tất cả mọi đối tượng trong xã hội không bị thiệt. “Phương án giá phải hài hòa các lợi ích, khoảng cách giữa các bậc không nên chênh nhiều. Ai tiêu dùng điện quá mức sẽ phải trả giá cao hơn” - ông Nguyễn Quang Thái góp ý.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cả nước hiện có gần 60% hộ gia đình tiêu thụ dưới mức 150kWh/tháng. Do đó, biểu giá điện phải đảm bảo quyền lợi của số đông người dân này. 

EVN “nhầm vai”?

Không bình luận trực tiếp vào các phương án điện đang được lấy ý kiến, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thẳng thắn: “Tôi hơi ngạc nhiên vì EVN tổ chức hội thảo này mà không phải là Bộ Công Thương. Việc của doanh nghiệp là kinh doanh, EVN chỉ làm giá điện cho doanh nghiệp này thôi, không phải làm giá điện cho Nhà nước”. 

Đồng quan điểm, PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, dường như có sự nhầm lẫn về chức năng trong việc tổ chức hội thảo này. “Giá điện rất nhạy cảm, EVN đứng ra chẳng khác nào đi thanh minh. Giá điện gắn với tiền lương. Nếu chỉ bàn về giá điện trong khi giả định các yếu tố khác không thay đổi thì không giải quyết vấn đề gì cả” - ông Trần Đình Thiên nói. 

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), EVN tổ chức hội thảo trên cơ sở thực trạng, xem xét biểu giá điện mới và sẽ thực hiện đầy đủ các bước sau khi có ý kiến bộ, ngành. 

“Công khai nhưng chưa minh bạch”

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Người dân thường phản ứng trước các đề xuất tăng giá điện một là vì không ai muốn tăng giá, hai là vì EVN đã công khai nhưng chưa minh bạch. Giá điện rất nhạy cảm, thị trường điện còn độc quyền, mà độc quyền thì xấu nhiều hơn tốt. Cần sử dụng cách tính giá điện đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - người dân”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nói: “Minh bạch giá điện là cần thiết và rất quan trọng. Người tiêu dùng không nhất định một mực đòi giá thấp, nhưng họ cần công bằng, minh bạch thông tin để thấy trả mức giá như vậy là thỏa đáng”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết: “Hàng năm chúng tôi đều kiểm tra giá thành sản xuất điện của các đơn vị. Bộ Công Thương là tổ trưởng tổ kiểm tra này. Ngoài ra còn có đại diện các bộ, ngành, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Hội Điện lực, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng… Kết quả kiểm tra được công khai trên website. Chúng tôi cũng có họp báo công bố chi phí sản xuất, truyền tải, phân phối, bán lẻ, phụ trợ cụ thể là bao nhiêu”.      
   
Hà Linh (Ghi)