Biểu diễn nghệ thuật trên phố đi bộ hồ Gươm không thể để tự phát

ANTD.VN -Mấy hôm nay, trên mạng xã hội lại có thêm ra một cuộc tranh luận gay gắt với nhiều luồng ý kiến đối chọi nhau. Mọi chuyện bắt đầu từ việc một cậu bé 15 tuổi đang chơi đàn violon tại phố đi bộ Hồ Gươm thì lực lượng bảo vệ trật tự có đến nhắc nhở, vì đây là biểu diễn không phép. Trên trang cá nhân của mình, mẹ cháu bé thì cho rằng, việc lực lượng chức năng lớn tiếng là không phù hợp và con chị biểu diễn là để quyên tiền làm từ thiện.

Ngay sau khi cả bố và mẹ cháu bé bày tỏ quan điểm của gia đình trên trang cá nhân, ngay lập tức ý kiến này đã nhận được nhiều lượt share (chia sẻ) và comment (bình luận). Nhiều người cho rằng, một cậu bé kéo đàn ở phố đi bộ là vô hại và nghệ thuật thì không cần phải xin phép. Tuy nhiên cũng có rất nhiều người cho rằng, để đảm bảo trật tự tại phố đi bộ thì cần phải có quy định, pháp luật phải được đặt lên trên hết. Mọi công dân đều phải sống và làm việc theo pháp luật.

Để rõ hơn về các quy định khi biểu diễn nghệ thuật và tổ chức các hoạt động trên phố đi bộ Hồ Gươm, PV Báo An ninh Thủ đô đã trao đổi cùng đại diện lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm và được biết, các tổ chức cá nhân, muốn được biểu diễn nghệ thuật hay tổ chức các hoạt động xã hội thì không phải xin cấp phép nhưng buộc phải có thông báo nội dung tới Sở VHTT Hà Nội. UBND quận Hoàn Kiếm là đơn vị phối hợp kiểm tra, nhắc nhở.

Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động vào năm 2016, cho tới nay, tuyến phố đi bồ quanh hồ Gươm đã thực sự trở thành một nơi vui chơi và sinh hoạt văn hóa của người dân Thủ đô vào mỗi dịp cuối tuần. Cũng chính vì thế, có rất nhiều hoạt động tự phát đã diễn ra mà "quên" không thông báo thỏa thuận với cơ quan chức năng. Có những lúc, các nhóm sinh viên khuân vào phố đi bộ cả  một dàn trống hội đập ầm ầm, hoặc những dàn loa với công suất lớn. Những việc tương tự thế này rất nhiều và đương nhiên, để không ảnh hưởng đến hoạt động chung khác, cơ quan chức năng đương nhiên phải nhắc nhở và yêu cầu có thông báo trước khi biểu diễn.

Hiện, tại phố đi bộ Hoàn Kiếm có 7 địa điểm được quy hoạch biểu diễn nghệ thuật gồm có: khu vực rạp Công Nhân, nhà Bát Giác, đền Bà Kiệu, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, đoạn phố Hàng Khay, phía trước Trung tâm Văn hóa hồ Gươm, và vị trí đền Vua Lê.

Ông Đinh Hồng Phong- Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, rất nhiều trường hợp như vậy trước đây đã được nhắc nhở, ban đầu có thể họ cũng có những phản ứng gay gắt nhưng sau đó đều hiểu rằng việc duy trì quy định và trật tự cũng là để không gian chung ngày một tốt hơn. Việc nhắc nhở diễn ra thường xuyên nhưng từ khi phố đi bộ hình thành và đi vào hoạt động, chưa từng xử lý một trường hợp nào.

Theo thông tin từ Sở VHTT Hà Nội, mọi hoạt động biểu diễn nghệ thuật có yếu tố kinh doanh trên các tuyến phố đi bộ, khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm đều phải xin phép. Thủ tục tiến hành đơn giản, theo đó, cá nhân, tập thể, muốn biểu diễn tại khu vực này thì chỉ cần đến thông báo với cơ quan quản lý văn hóa biết về thời gian, nội dung biểu diễn, đồng thời thông báo đến chính quyền địa phương để sắp xếp địa điểm. Sở VHTT luôn tạo điều kiện để các cá nhân, tập thể được hoạt động nghệ thuật, tuy  nhiên, ở không gian chung như phố đi bộ, việc biểu diễn không thể tiến hành tự phát, phải theo nền nếp.

Từng tổ chức 4 buổi biểu diễn tại phố đi bộ hồ Gươm với mục đích giúp cộng đồng có thêm nhận thức về chứng tự kỷ- chương trình "Tôi đã hiểu", ca sĩ Thái Thùy Linh cho biết, để tổ chức chương trình này, cô cũng đã phải thực hiện đầy đủ các trình tự về thông báo nội dung với Sở VHTT Hà Nội. Việc hồ Gươm thành không gian nghệ thuật là việc tốt. Song phải có quy định cụ thể. Không thể nhân danh nghệ thuật, nhân danh từ thiện rồi ai cũng vào đó biểu diễn thì phố đi bộ  sẽ thành phố xin tiền.

Ca sĩ Thái Thùy Linh cho biết, cô cũng từng phải đi xin giấy phép để tổ chức các buổi biểu diễn, việc này cũng mất nhiều thời gian, tuy nhiên đó là luật thì không thể làm trái được. Và câu chuyện đáng tiếc xảy ra ở phố đi bộ mấy hôm vừa qua liên quan đến một cậu bé 15 tuổi hoàn toàn là câu chuyện ứng xử của người lớn. Người Việt Nam xưa vẫn nói với nhau "một bồ cái lý không bằng một tí cái tình", thế nhưng khi xã hội hiện đại, thì phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, cái lý phải được đặt lên đầu tiên đã.