Biệt thự Hà Nội: Bán để... giữ

ANTĐ - Sở Xây dựng Hà Nội vừa hoàn thành Quy chế quản lý quỹ nhà biệt thự từ thời Pháp. Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH-KT, Quy chế nhằm “bảo vệ những công trình mang dấu ấn của một thời kỳ phát triển Hà Nội, đã in đậm vào cảm nhận thẩm mỹ góp phần nhận diện được bản sắc kiến trúc Thủ đô, để thế hệ sau hiểu về quá khứ...”. 

Một biệt thự từ thời Pháp trên phố Mai Hắc Đế đang dần xuống cấp 


Tạo điều kiện “gộp” sở hữu

Trong số hơn 1.000 biệt thự từ thời Pháp hiện còn tồn tại ở Thủ đô, số biệt thự có 1 đến 2 hộ ở thuê chỉ chiếm 5% trên tổng số biệt thự dùng để ở. Số biệt thự có từ 5 đến 10 hộ ở thuê chiếm 50%. Số biệt thự có từ 10 đến 15 hộ ở thuê chiếm 40%. Cá biệt, có địa chỉ như số 8 Tăng Bạt Hổ, 128C Đại La... có từ 35 đến 50 hộ. Rất nhiều tòa nhà hiện đã bị biến dạng do phải “gánh” số lượng hộ dân quá lớn. Số này đều thuộc danh sách hơn 500 biệt thự bán dở dang. Ông Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh quan điểm của TP là thông qua bán biệt thự nhằm giãn dân. Bán biệt thự nhằm mục tiêu không chia nát khuôn viên, từng bước dỡ bỏ cơi nới để trả lại hình dáng gốc của biệt thự, gắn với chính sách quản lý để tôn tạo giá trị nhằm làm đẹp bộ mặt Thủ đô. 

Trong thực tế sử dụng, từ nhiều năm nay, các hộ dân đã tự ý chuyển nhượng, mua bán các “căn hộ” nằm trong biệt thự. Hiện tượng “mua gom” - một chủ đầu tư, đứng ra mua lại quyền sử dụng của các hộ còn lại trong nhà biệt thự - cũng không phải hiếm. Tuy vậy, người ta vẫn tránh nói tới hiện tượng này vì nhiều lý do.

Một trong những điểm mới của dự thảo Quy chế lần này là việc ghi nhận hiện tượng “mua gom” biệt thự. Trưởng Ban 61 (Sở Xây dựng Hà Nội), ông Hoàng Tú cho biết, thành phố khuyến khích việc giãn dân tại những nhà biệt thự có nhiều hộ ở để quy về một chủ theo các quy định hiện hành của Nhà nước. TP khuyến khích và tạo điều kiện về quyền sở hữu đối với các tổ chức, cá nhân đang quản lý, sử dụng nhà biệt thự có điều kiện tự đầu tư phục hồi nguyên trạng kiểu dáng, kiến trúc ban đầu của nhà biệt thự đã bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ. TP cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phục hồi quỹ nhà biệt thự trên địa bàn thành phố. Đối với những nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước đã xuống cấp, nằm trong danh mục nhà nguy hiểm, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các sở ngành, quận, huyện lập phương án di chuyển các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để tổ chức xây dựng, cải tạo, trùng tu, bảo trì nhà biệt thự theo quy định.

Hợp thức hóa “mua gom” 

Thực tế, việc cấp cấp “sổ đỏ” cho biệt thự mua gom từng bị ách lại trong những năm trước để phục vụ công tác rà soát. Tuy nhiên, tháng 10-2011, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc về cấp “sổ đỏ” cho trường hợp nhận chuyển nhượng của nhiều hộ đã mua nhà theo Nghị định 61/CP. Cụ thể, các trường hợp “mua gom” từ nhiều hộ nay có nhu cầu quy về một thửa đất và cấp đổi GCN sẽ được xem xét, giải quyết. Đối với các trường hợp còn diện tích nhà chưa bán, diện tích đất chưa thu tiền sử dụng đất, người có nhu cầu cấp GCN phải có đơn xin mua nhà theo giá quy định của UBND TP và nộp tiền sử dụng đất theo giá sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường. Với các trường hợp đã bán hết đất, nhà, Sở Xây dựng ra văn bản thông báo và UBND quận, huyện sẽ làm thủ tục cấp đổi GCN cho các hộ gia đình, cá nhân.

Ông Hoàng Tú cũng thừa nhận thực tế, một số biệt thự có nhiều hộ dân sinh sống đã có chủ đầu tư chủ động nhận chuyển nhượng từ các hộ riêng lẻ. Tuy nhiên, hiện nay, còn một số vướng mắc như việc xử lý phần diện tích đất công (trong khuôn viên biệt thự) chưa bán. Đại diện Sở Xây dựng dự báo, những vướng mắc này sẽ được giải quyết sau khi Chính phủ ban hành nghị định mới về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước. 

Theo các chuyên gia, quy chế chỉ là điều kiện cần. Quan trọng là nó phải được các chủ sở hữu biệt thự cam kết thực hiện dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng và cộng đồng. Nếu thiếu các yêu cầu này, biệt thự thời Pháp sẽ tiếp tục bị “đánh tỉa” và nối gót nhau chuyển đổi thành các khu căn hộ, khách sạn, văn phòng cho thuê...

Rà soát mới nhất cho biết, Hà Nội có 1.586 biệt thự cũ. Trong đó có 562 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, 1.024 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, 42 biệt thự ở trung tâm chính trị Ba Đình không được phép tư nhân hoá.