Biết thế nào là chân giá trị

ANTD.VN - Hôm qua tôi đưa hai người bạn ngoại quốc vào một quán ăn bình dân, họ hết sức ngạc nhiên khi thấy… các nhân viên phục vụ quán ăn ngồi vuốt iPhone sành điệu. Ở nước họ lương của nhân viên như vậy không đủ sống, đừng nói đến chuyện tiêu dùng hàng xa xỉ. 

- Thế ông giải thích sao? Bảo là lương nhân viên phục vụ ở ta cao lắm à?

- Ai mà tin điều đó. Tôi đành nói đấy là iPhone nhái nên giá rẻ, đến học sinh cũng mua được.

- Chống chế cho qua với khách thôi, nhưng đúng là ở ta đang tồn tại tình trạng nhiều người chi tiêu vượt quá khả năng thu nhập của mình. Ông có lý giải được tại sao không?

- Có nhiều nguyên nhân lắm, như lối sống gấp, chuộng hình thức bên ngoài, theo đuổi những giá trị phù phiếm. Nhưng cũng có một bộ phận giải thích là họ từng có quá khứ nghèo khổ nên khi kiếm được tiền thì muốn bù đắp lại những ngày cơ cực, nhất là những thanh niên có gốc gác nông thôn mới ra thành phố.

- Thế còn thanh niên mấy đời ở phố thì sao? Số này cũng không ngoại lệ đâu, cũng ăn chơi khiếp lắm.

- Về nhóm này thì chắc cũng cần nhắc đến trách nhiệm của ông bà bố mẹ, những người từng vất vả nên khi được đổi đời thì muốn con cháu mình được sung sướng, rồi dần dần hình thành một thế hệ sống coi trọng giá trị vật chất bên ngoài.   

- Có thay đổi được điều này không nhỉ?

- Cũng sẽ thay đổi được phần nào nếu truyền thông bớt đi những câu chuyện, hình ảnh về lối sống xa hoa mà hướng đến các chân giá trị của cuộc sống nhiều hơn.  

- Một người Tràng An đích thực mới qua đời. Mong là những câu chuyện về nhân cách và cuộc đời của cụ được báo chí khai thác nhiều sẽ tác động được phần nào đến người trẻ Hà Nội.