Biệt tài của chàng trai mù

ANTĐ - “G  iàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay, tôi đã từng có lúc chán nản hận ông trời cớ sao lại cướp đi ánh sáng của mình. Nhưng rồi, nghĩ đi nghĩ lại, ông trời không bao giờ lấy hết của ai. Mình còn đôi tay, đôi chân và một cái đầu tỉnh táo. Mình phải vượt lên để tìm ánh sáng cuộc sống - đó là niềm tin”.

Lời tâm sự ấy là của chàng trai người dân tộc Tày tên Trần Văn Nhận ở Bằng Cốc (Hàm Yên - Tuyên Quang) bao nhiêu năm nay đã phải sống trong bóng tối vì bị khiếm thị. Nhưng ở vùng sơn cước này, anh chính là ánh sáng, là tấm gương cho nhiều người soi theo vì nghị lực sống hiếm có.

Anh Nhận ngoài vót đũa, có thể làm được nhiều việc khác như bình thường

38 năm sống trong bóng tối

Đến xã Bằng Cốc tìm nhà anh Trần Văn Nhận không khó, anh sống trong một căn nhà nhỏ ở thôn 3. Khi chúng tôi đến, anh Nhận đang làm đũa để bán. Dẫn chúng tôi vào nhà, tự anh đi pha trà. Anh Nhận cho biết: “Hồi mới lên 2 tôi bị bệnh thủy đậu, gia đình cho rằng đó là do con “ma” nhập vào nên mời thầy cúng. Cúng mãi mà chẳng khỏi đến khi mắt mờ đi thì mới đến thầy lang cắt thuốc. Uống xong thang thuốc, đắp  lá vào mắt rồi bỏ khăn ra thì chẳng nhìn thấy gì nữa”.

Nhận sinh năm 1973, đến nay đã 38 năm sống trong bóng tối. Ông Vi Nông là cậu ruột của anh Nhận cho biết: “Ấy vậy mà nó còn giỏi hơn khối người sáng mắt, việc gì cũng làm được. Đấy anh xem, cả bản này có mấy gia đình xây được nhà tường xi măng, nó làm được tuốt, giỏi là đằng khác”.

Nghe đến đây, anh Nhận cười khoái chí: “Thì cái bụng đói, cái chân phải bò chứ. Cứ dựa vào mù lòa mà ăn sẵn thì chỉ bị khinh bỉ thôi”.

Biệt tài nghe và bắt ba ba

Để chứng minh cho khả năng nghe tiếng động và bắt ba ba, anh Nhận kể lại việc đã bắt được con ba ba to nhất từ trước đến nay một cách hào hứng: “Tôi nhớ hôm đó là một ngày đầu hè năm 1993, như thường lệ, tôi dắt trâu đi thả, khi đến bờ suối nghe thấy những tiếng động rất lạ nên tôi tiến lại gần. Lắng nghe một lúc, tôi quyết định men xuống, theo phỏng đoán thì đây đích thị là ba ba hoặc  rùa đá. Cách đấy mấy hôm có người bảo tôi rằng ở đây có một con ba ba rất to mà chưa ai bắt được. Chính vì thế tôi bạo gan nhảy xuống dù biết rằng chỗ này tương đối sâu và nước chảy khá mạnh, nếu không cẩn thận rất có thể sẽ bị cuốn đi. 

Sau khi định vị được nơi phát ra tiếng động, tôi lấy một hơi dài, lặn xuống. Ngay lần lặn đầu tiên, tôi đã chạm được đúng mai của nó, con ba ba này rất to. Lặn tiếp một lần nữa, tôi đã bám được vào thân của nó, nhưng làm cách nào để lôi được nó lên là cả một vấn đề. Con ba ba này rất khoẻ lại nằm trong hang đá, nếu không cẩn thận sẽ rất nguy hiểm, bởi khi trên cạn chúng chậm  chạp nhưng khi ở dưới nước lại rất nhanh nhẹn và dữ dằn. Theo kinh nghiệm, để bắt được nhanh nhất phải xác định đâu là đầu, đâu là đuôi của nó. 

Lặn lần thứ ba, tôi đã nắm chặt được vào mai của nó nhưng phải khá vất vả tôi mới đưa được nó lên bờ. Khi đưa về, mấy người nhà tôi bỏ lên cân, mới biết con ba ba này nặng hơn chục cân và đã bán nó cho một người buôn với giá 900 ngàn đồng”.

Không chỉ bắt được ba ba khủng, anh Nhận còn là một tay bắt rắn kỳ tài. Xã Bằng Cốc có nhiều đồi núi, bụi rậm nên cũng là địa bàn lý tưởng cho rắn hổ mang. Hàng ngày, anh Nhận men theo sườn núi, dùng đôi tai cực thính của mình để nghe tiếng rắn trườn. Anh Nhận bảo: “Tôi chỉ bắt rắn hổ mang nên phải nghe thật kỹ để phát hiện ra chúng. Có con rất khôn, khi người tới gần chúng cuộn tròn lại nên phải “đánh hơi” bằng mũi. Nói anh không tin, chứ tai và mũi tôi tinh vô cùng, đến cái lá rơi tôi còn nghe được”.

Biệt tài của chàng trai mù  ảnh 2
Anh Nhận và vợ là chị Phùng Thị Viên


Ánh sáng tình yêu

Một chuyện khó tin nhưng có thật là anh Nhận có thể tự xâu kim may vá quần áo. Cái điện thoại mà năm ngoái anh mua để liên lạc với bạn bè cũng được anh sử dụng thành thạo. Từ lưu số đến nhắn tin anh đều tự mình thực hiện được. 

Công việc hàng ngày như nấu cơm, giặt giũ là việc quá bình thường đối với Nhận. Anh bảo: “Bây giờ, tôi không nghĩ mình bị mù nữa, ngày nào cũng vót đủ 500 đôi đũa đem bán ngoài chợ, tiền tôi còn không nhầm thì sao làm nhầm được”.

Thấy anh Nhận tuy mù mà có ý chí, nghị lực nên không ít gái bản thầm yêu trộm nhớ anh. Và rồi năm 2002, Nhận đem lòng yêu cô con gái trưởng bản xã bên là chị Phùng Thị Viên. Đám cưới của anh cũng rất đặc biệt, toàn thịt ếch, ba ba và rắn. Chinh phục được trái tim người đẹp, anh Nhận bắt đầu có gia đình và đến nay cái gia đình nhỏ ấy đã có thêm 2 thành viên. Anh cho biết: “Đó là hạnh phúc giản dị và tuyệt vời nhất, trời lấy đi của tôi đôi mắt nhưng bù lại cho tôi nhiều khả năng kỳ diệu và một gia đình hạnh phúc”.