Biết sống khiêm nhường

ANTD.VN - Có một vị Tể tướng nọ khi tuổi cao ông xin với triều đình cho được về quê nhà nghỉ ngơi, sống những ngày tháng cuối đời trong thú điền viên. 

Nghe tin ông về quê, rất nhiều bạn bè, học trò, bạn đồng môn xưa đến thăm ông. Có một người bạn của vị Tể tướng là một thầy giáo rất giỏi đang đảm nhiệm trọng trách giảng dạy trong triều đình đến chơi và ngồi đàm đạo với ông. Nhắc đến chuyện những năm tháng làm quan trong triều đình của mình, vị Tể tướng thâm trầm nói: “Tôi rất tiếc vì trong thời gian làm Tể tướng còn nhiều việc chưa làm được và nhiều việc làm chưa tốt…”. Thầy giáo kia nghe vậy tỏ vẻ khó chịu, bèn ngắt lời luôn: “Tôi thấy nhiều việc ông xử lý không ổn chút nào, ông phải nên thấy hổ thẹn vì những việc ấy”. Vị Tể tướng thấy khó hiểu liền hỏi ngay cụ thể là những việc gì?

Người bạn thầy giáo liền nói: “Năm ấy, ở vùng ven đô có nạn cướp bóc hoành hành do một toán cướp ở trên núi cao xuống, chúng cướp bóc, giết hại người dân, vậy mà ông không trình báo đức vua làm tới nơi tới chốn, khiến cho dân chúng đầu rơi máu chảy, khốn đốn bao nhiêu”. Vị Tể tướng cúi đầu đáp: “Vâng, quả thật là lúc ấy tôi làm không tới nơi tới chốn”. Người thầy giáo lại tiếp: “Rồi năm nọ, thiên tai, mất mùa xảy ra liên miên ở miền đồng bằng, dân chúng đói khổ lầm than, các quan địa phương kêu cầu nhưng ông bỏ ngoài tai chẳng báo với đức vua”. Vị Tể tướng thấy hổ thẹn, dập đầu nhận lỗi: “Vâng, đúng là tôi đã chưa làm tròn trách nhiệm của mình”. Người bạn còn nói rất nhiều những khuyết điểm mà vị Tể tướng này mắc phải trong quá khứ và lần nào ông cũng cúi đầu nhận lỗi rất thành tâm.

Một thời gian sau, người thầy giáo trong một lần nhà Vua hỏi về công việc, đã tư vấn rất nhiều kế sách tốt, được nhà Vua khen thưởng và nói: “Ông quả thực là có tài năng y như vị Tể tướng trước đây của triều đình chúng ta, ta rất khen ngợi và sẽ ban thưởng”.

Người thầy giáo được nhà vua khen thì rất vui nhưng lại khó chịu khi bị ví với vị Tể tướng nhiều sai lầm kia, ông bèn hỏi nhà Vua: “Thưa bệ hạ, vậy vị Tể tướng trước cũng hiến kế nhiều cho triều đình ạ?”. Nhà Vua chỉ vào chiếc rương lớn đầy những bản tấu trình bảo: “Trong đó toàn báo trình của ông ta đó mà ta lúc ấy mải vui nên không chú ý xử lý, bỏ ngoài tai hết”.

Người thầy giáo nghe nhà Vua nói vậy liền bước đến mở các bản tấu trình ra xem, hóa ra trong ấy có hết những sự việc mà ông đã trách cứ vị Tể tướng hôm nào. Người thầy giáo cảm thấy tự hổ thẹn, hóa ra ông đã trách nhầm, vậy mà vị Tể tướng không hề phản bác hay giải thích, khiêm nhường nhận hết lỗi về mình. Người thầy giáo vội đi ngựa ngay trong đêm đến nhà xin lỗi vị Tể tướng nhưng ông lắc đầu, cười nói: “Ông không nắm rõ sự tình, không trách ông được!”.

Thực tế trong đời sống, khi chúng ta bị oan ức, hiểu lầm thì ít người có thể giữ được vững khí chất tâm lý của mình, thường thì ai cũng quyết liệt làm cho ra nhẽ, nhưng người xưa đã dạy, là người đàng hoàng, sống hiên ngang giữa trời đất không bao giờ lung lay bởi thị phi, không bao giờ thay đổi tâm thế khi bị hiểu lầm. Và hơn tất cả, người vững tâm sẽ luôn biết nhận lỗi hết về mình, bao dung và quảng đại, như thế mới có thể sống an nhiên, vững vàng, nhẹ nhàng bước qua hết những giông bão của cuộc đời.