Biết rõ mục đích từ đầu

ANTĐ - Trong giờ lên lớp, Giáo sư Josheph bắt đầu bài tập trắc nghiệm với sinh viên bằng một câu hỏi: “Giả sử các anh chị được giao công việc vào rừng chặt cây, nhìn thấy có 2 cây ngay trước mặt, một cây to, một cây bé, anh chị sẽ chọn cây nào?”. 

Câu hỏi vừa đưa ra, sinh viên đã nhao nhao: “Đương nhiên phải chặt cây to rồi”. Giáo sư cười nói: “Nhưng cây to đó chẳng qua chỉ là cây dương hết sức bình thường, còn cái cây nhỏ hơn là cây tùng đỏ, vậy chúng ta sẽ chọn cây nào đây?”. Sinh viên nghĩ nhanh, tùng đỏ giá trị hơn gỗ dương, liền đáp: “Đương nhiên là chặt cây tùng chứ ạ”. Giáo sư Josheph vẫn cười: “Nhưng cây dương đó lại mọc thẳng tắp, còn cây tùng thì rậm rạp, nhiều cành, nhiều mấu, anh chị sẽ chọn cây nào?”. Sinh viên tỏ ra nghi hoặc: “Nếu mà như vậy, hay là chặt cây dương. Cây tùng khúc khuỷu, chắc khó chặt hơn rồi”. Giáo sư tiếp tục đưa ra điều kiện khác: “Dù cây dương thân thẳng, nhưng đã khá già, bên trong đã rỗng, khi đó, nên chặt cây nào?”. Sinh viên bắt đầu băn khoăn, không hiểu ý giáo sư: “Vậy thì chặt cây tùng, cây dương đã rỗng thì còn giá trị gì?”. Tưởng thôi, không ngờ giáo sư tiếp tục: “Thế nhưng trên cây tùng lại có một tổ chim quý, anh chị có nỡ chặt xuống không”. 

Lúc này, sinh viên không chịu nổi, hỏi thẳng: “Giáo sư, rốt cuộc giáo sư muốn nói điều gì? Trắc nghiệm điều gì?”. Khi ấy, giáo sư mới bật cười: “Tôi đang làm trắc nghiệm đó thôi. Cuối cùng các anh chị vẫn không quyết định được nên chặt cây nào, chẳng qua vì chỉ để ý đến những điều kiện được đưa ra sau, mà không xác định được mục đích ban đầu của mình. Thực ra trong cuộc sống có rất nhiều người như vậy, nếu như xác định được mục đích ngay từ đầu, thì chắc chắn trước những hiện tượng, điều kiện mới phát sinh, sẽ không bao giờ bị lung lay, dao động.