Biệt đội nữ cảnh sát Ấn Độ chống nạn hiếp dâm

ANTD.VN - Năm 2013, Quốc hội Ấn Độ phê chuẩn dự luật thực thi các hình phạt nghiêm khắc, mức cao nhất là tử hình, đối với tội phạm hiếp dâm. Luật đã được ban hành nhưng trên thực tế, con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy khoảng 40.000 vụ cưỡng bức vẫn xảy ra ở nước này hàng năm.

Biệt đội nữ cảnh sát Ấn Độ chống nạn hiếp dâm ảnh 1Các nữ cảnh sát Ấn Độ được huấn luyện võ hàng tháng

Trước thực trạng đáng báo động đó, tháng 5 vừa qua, thành phố Jaipur, bang Rajasthan, miền bắc Ấn Độ đã đi tiên phong trong việc thành lập đội nữ cảnh sát đặc nhiệm nhằm bảo vệ phụ nữ trước nạn quấy rối và bạo lực tình dục.

Hàng ngày, lực lượng đặc nhiệm nữ này tuần tra trên đường phố, các công viên, khu ký túc xá hay bến tàu xe, nơi phụ nữ thường có nguy cơ bị tấn công tình dục. Trong lúc tuần tra, các nữ cảnh sát thường xuyên tiếp xúc với phụ nữ và các cô gái trẻ. Họ được tuyên truyền thông tin để bảo vệ bản thân, đồng thời cảnh sát cũng thông báo rằng họ có thể liên lạc với đội nữ biệt động bằng WhatsApp bất kỳ lúc nào để được giúp đỡ trong tình huống nguy hiểm. 

Khoảng 80% phụ nữ Ấn Độ thường gặp rắc rối và nguy hiểm theo nhiều mức độ bởi những người đàn ông tại nơi công cộng, hiện tượng được gọi là "Eve teasing", có thể là trêu ghẹo, gạ gẫm, bị bám đuổi bởi những kẻ lạ mặt hay cưỡng bức. Tuy nhiên, vì xấu hổ và sợ hãi bị trả thù, họ thường âm thầm chịu đựng nỗi đau giày vò hơn là tố cáo những kẻ tấn công mình.

Còn đối với những nạn nhân tới tố cáo, khi tiếp xúc với cảnh sát là nam giới, họ khó lòng chia sẻ những điều đã phải trải qua. Chính vì thế, việc thành lập đội nữ cảnh sát được nhận định là hoàn toàn hợp lý. Kamal Shekhawat, người đứng đầu đơn vị đặc nhiệm nữ hy vọng sự có mặt của nữ cảnh sát sẽ giúp nhiều phụ nữ ở Jaipur mạnh dạn báo cáo về những kẻ lạm dụng và cưỡng bức họ.

Đội đặc nhiệm này được huấn luyện võ thuật hàng tháng để có thể trấn áp tội phạm là nam giới. "Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi tới là không khoan nhượng đối với tội ác chống lại phụ nữ", Kamal Shekhawat cho biết, "Nếu một người đàn ông bị phát giác và bị khống chế, những người khác nhìn vào sẽ tự cảm thấy phải dè chừng nếu họ có ý định làm bất cứ điều gì sai trái. Đó là thành công của chúng tôi”. Sau hai tháng vận hành, đơn vị này đã cho thấy hiệu quả phòng ngừa và tình trạng quấy rối phụ nữ giảm rõ rệt.  

Động thái của Jaipur được coi như một tấm gương và thành phố lân cận Udaipur dự định cũng triển khai đội đặc nhiệm nữ cảnh sát vào tháng 10 tới. Tiểu bang Uttar Pradesh, bang đông dân nhất của Ấn Độ, cảnh sát cũng phát triển các nhóm "chống Romeo" nhằm mục tiêu bảo vệ nữ giới, nhưng một nghịch lý hiện nay cho thấy phần lớn cảnh sát Ấn Độ là nam giới. Nữ giới hiện chỉ chiếm 6,5% lực lượng cảnh sát Ấn Độ.

Khi Quốc hội Ấn Độ thông qua luật chống hiếp dâm năm 2013, tỷ lệ nam nữ  trong lực lượng cảnh sát cũng buộc phải thay đổi phù hợp. Ông Arun Kumar Gupta, Giám đốc cảnh sát bang Uttar Pradesh cho biết, toàn bang có gần 6.500 nữ cảnh sát, chiếm chưa tới 2% tổng lực lượng cảnh sát.

Mỗi trạm cảnh sát trong 75 quận của Uttar Pradesh chỉ có một nữ cảnh sát nhưng các sĩ quan nữ không phải lúc nào cũng có mặt tại các trạm cảnh sát của bang. Vì vậy, nếu một người phụ nữ đến gần đồn cảnh sát mà không có một nhân viên nữ, ông Gupta nói, cô ấy có thể được đưa đến trạm cảnh sát phụ nữ gần nhất, hoặc một nữ cảnh sát có thể được gọi đến, tùy thuộc vào khoảng cách đi lại và tình trạng của nạn nhân. Điều này hạn chế khá nhiều hiệu quả chống tội phạm hiếp dâm ở nước này.