Biết cách đặt niềm tin

ANTD.VN - Thời Chiến quốc, có một tướng quân oai phong lẫm liệt, đánh trận bách chiến bách thắng, luôn khiến cho quân thù kinh sợ và binh lính dưới trướng ông nể phục. Khi thấy mình già yếu không thể chiến đấu được nữa, ông tập trung dạy bảo, truyền kinh nghiệm cho cậu con trai duy nhất, cũng là một vị chỉ huy trẻ tinh thông quân sự và quyết đoán.            

Vào ngày sinh nhật con trai, cũng là đêm trước khi vị tướng quân trẻ tuổi phải lên đường đi chiến đấu nơi xa, vị tướng già lấy ra một mũi tên được bọc trong một cái bao da có đính lông ngựa đã sờn cũ tặng cho con trai và nói: “Con trai, mũi tên này là đồ gia bảo nhà ta, nó có sức mạnh vô song. Nay ta tặng lại cho con để nó có thể mang lại cho con sự can đảm phi thường, đánh đâu thắng đó và bảo vệ con khỏi những hiểm nguy, nhưng với một điều kiện, con không bao giờ được tháo nó ra khỏi vỏ bọc này”.

Tướng quân trẻ cầm chiếc mũi tên rất đỗi vui mừng, hứa với cha sẽ làm theo đúng lời ông dặn. Vào trận chiến, tướng quân trẻ cảm nhận được sự can đảm, mạnh mẽ tuôn chảy bên trong mình khiến cho anh không hề sợ hãi, đánh thắng quân địch mạnh hơn gấp bội. Vị chỉ huy trẻ được tán dương và nể phục, điều này khiến anh rất tự hào nhưng cũng khiến anh không thôi suy nghĩ về mũi tên gia bảo kỳ diệu.

Cuối cùng, vì tò mò, tướng quân trẻ rút mũi tên ra khỏi bao để xem và  sững người khi thấy đó chỉ là một cái cán tên bằng tre bình thường không có mũi. Đột nhiên, vị chỉ huy trẻ trở nên sợ hãi, lo lắng, ý chí chiến đấu sụp đổ, mọi sức mạnh dường như  biến mất. Anh thét lên tuyệt vọng: “Sao tôi có thể chiến đấu với kẻ thù với một mũi tên tầm thường bị gãy mũi thế này?”. Vừa bước vào trận chiến hôm sau, vị chỉ huy trẻ đã bị kẻ thù tấn công và giết chết ngay từ những nhát kiếm đầu tiên. Tướng quân già khi nhìn thấy xác con được lính mang về, ông thở dài: “Nếu không thể giữ vững ý chí của mình, sao con có thể trở thành một vị tướng được đây?”.

Có niềm tin là rất tốt nhưng đặt niềm tin một cách mù quáng thì hậu quả khôn lường, nhất là khi đến ý chí cũng không giữ vững được. Vì thế hãy biết điều tiết mọi việc ở một chừng mực nhất định, đừng tuyệt đối, để còn có một đường lui khi cần thiết.