Biến tướng của tín dụng tiêu dùng

ANTĐ - Vay vốn lãi suất thấp, vay vốn không thế chấp, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng trong vòng vài chục phút, hạn mức tín dụng đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng của khách hàng… Lợi như thế tội gì chả vay. Nhưng miếng bánh chỉ ngọt ở bên ngoài…
Biến tướng của tín dụng tiêu dùng ảnh 1

Mua gì cũng vay được 

Những dòng quảng cáo hấp dẫn mời chào vay tín dụng tiêu dùng (TDTD) tràn ngập khắp nơi, từ quê đến phố, trên các bờ tường, cột điện, gốc cây, cột đèn giao thông, rồi những tin nhắn được gửi bất kể ngày đêm đến từng thuê bao điện thoại, các tin quảng cáo, rao vặt khắp mọi trang mạng… Ngay cả nếu bạn không quan tâm đến những dòng quảng cáo ấy, thì khi bước chân vào bất kỳ cửa hàng, trung tâm mua sắm nào như điện thoại, máy tính, xe máy, ô tô, siêu thị… bạn cũng dễ dàng được tư vấn mua trả góp thông qua dịch vụ TDTD. Những tấm biển, băng rôn mua hàng trả góp thường được trang trí nổi bật tại những điểm bán hàng này.

Vâng, “mua hàng trả góp” là một kênh tiếp cận được coi là khá hiệu quả của các tổ chức TDTD hiện nay. Nghĩa là khi mua một sản phẩm tại cửa hàng, người mua sẽ chỉ phải bỏ ra một số tiền nhỏ để trả ban đầu, sau đó sẽ ký hợp đồng với các công ty tài chính để trả dần số nợ và lãi suất theo từng tháng. Tóm lại là các công ty tài chính sẽ cho người mua vay trước số tiền còn nợ để trả cho phía nhà cung cấp sản phẩm, sau đó sẽ thu lại tiền của người mua và hưởng lợi từ phần lãi người mua hàng phải trả cho họ.

Tại một cửa hàng điện thoại di động lớn trên phố Thái Hà (Hà Nội), khi chúng tôi hỏi về thủ tục mua trả góp một chiếc điện thoại, nhân viên ở đây nhiệt tình tư vấn: Hiện tại bên em đang liên kết với 3 công ty tài chính là A, F, H, với nhiều gói lãi suất khác nhau, hồ sơ duyệt cũng khác nhau. Về cơ bản, thủ tục thì chỉ cần có bản gốc sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, bằng lái xe, hóa đơn tiền điện là được.

Thời gian duyệt hồ sơ chỉ khoảng vài chục phút. Sau đó nhân viên này tư vấn cụ thể các gói lãi suất khác nhau cho chúng tôi, theo đó mức lãi suất trung bình thấp nhất là 2%/tháng. Số tiền trả trước càng nhiều và thời gian trả càng ngắn thì lãi suất sẽ thấp, ngược lại số vay cao, tiền trả trước ít, thời gian trả lâu thì lãi suất phải chịu sẽ càng cao, dao động khoảng 20-70%/ năm.

Tại một cửa hàng bán lẻ điện thoại lớn khác trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), một khách hàng vừa bước ra từ quầy làm thủ tục mua trả góp cho biết anh mua chiếc điện thoại được niêm yết với giá 7.999.000 đồng, trả trước 20%, tức là 1,6 triệu đồng. Số nợ còn lại trả trong vòng 6 tháng, mỗi tháng phải trả 1,4 triệu đồng, vị chi tổng số tiền trả cho sản phẩm trên thực tế là 10 triệu đồng. “Biết là phải trả thêm khá nhiều tiền nhưng với điều kiện kinh tế của mình thì đây là giải pháp phù hợp. Mình được sử dụng luôn sản phẩm yêu thích trong khi không có điều kiện chi trả một lúc” - khách hàng này nói.


Bị “khủng bố”  vì TDTD

Đối tượng khách hàng của TDTD chủ yếu là những người có thu nhập thấp có nhu cầu tức thời về mua sắm, chi tiêu, nhưng không tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, thủ tục cho vay thì đơn giản, không cần tài sản đảm bảo, thậm chí không cần chứng minh thu nhập… Sự dễ dàng như vậy tất yếu đi liền với rủi ro cao, và để bù lại, đương nhiên các công ty tài chính phải đưa ra mức lãi suất cao cùng nhiều mánh khóe để móc túi khách hàng. Thông thường, mức lãi suất vay tiêu dùng dao động trong khoảng 2-5% tháng, nhưng đó đều là mức lãi suất tính theo dư nợ ban đầu nên thực lãi suất còn cao hơn nhiều.

Đó là chưa kể đến việc khi khách hàng không may thanh toán chậm số tiền theo quy định của hợp đồng, sẽ bị công ty tận dụng phạt lãi suất rất cao. Điều này khi làm thủ tục vay tiền, nhân viên thường lờ đi không giải thích kỹ, người tiêu dùng cũng không đọc kỹ hợp đồng, không mấy quan tâm. Để đòi được nợ, các nhân viên thu hồi nợ của công ty tài chính cũng có không ít thủ đoạn.

Vợ chồng anh Nguyễn Đăng M (Đông Anh, Hà Nội) là một ví dụ. Cách đây hơn 1 năm, hai vợ chồng anh M tích cóp được hơn chục triệu đồng, tới cửa hàng xe máy định mua một chiếc xe số, khi biết cửa hàng có hỗ trợ vay trả góp thông qua một công ty tài chính nên vợ chồng anh đã bàn bạc quyết định mua một chiếc xe tay ga. “Tôi mua chiếc xe tổng trị giá 30.300.000 đồng, trả trước 10.300.000 đồng còn lại vay 20 triệu đồng thông qua công ty tài chính với thời gian trả là 2 năm, mỗi tháng đóng hơn 1,6 triệu đồng.

Tôi đóng được 13 tháng thì mấy tháng sau đó bị chậm. Công ty này cho người gọi điện nói vì tôi vi phạm hợp đồng nên họ sẽ chấm dứt hợp đồng, yêu cầu gia đình tôi đến trả khoản tiền cả gốc lẫn lãi phạt… bằng đúng số tiền tôi vay ban đầu, tức là gần 20 triệu đồng. Quá bức xúc với cách tính lãi kiểu “tín dụng đen” này, tôi nói nếu không tính toán phù hợp thì tôi sẽ không trả.

Kể từ lúc đó, không ngày nào gia đình tôi được yên, các nhân viên của công ty tài chính này liên tục gọi điện dọa dẫm, nào là nếu không trả sẽ kiện ra tòa, sẽ đưa vào danh sách nợ xấu… Có những ngày tôi nhận được hàng chục cuộc gọi, không những chỉ gọi vào số máy tôi mà còn gọi cho vợ tôi, bất kể giờ giấc. Cuối cùng tôi phải vay họ hàng để trả số nợ cho họ và chấm dứt hợp đồng. Số tiền mua xe từ hơn 30 triệu đồng, đến khi tôi trả hết nợ lên đến gần 50 triệu đồng”.

Tương tự anh Tiến (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) cũng lâm vào tình trạng khóc dở mếu dở khi trót vay tiền của công ty tài chính. Anh Tiến cho biết có vay 20 triệu đồng của một công ty tài chính để mua xe máy, trả trong vòng 30 tháng, mỗi tháng xấp xỉ 1,5 triệu đồng. “Tôi trả được 11 tháng thì phát hiện họ làm ăn mập mờ, lợi dụng phạt lãi suất có khi lên đến hàng triệu đồng mỗi lần chậm thanh toán, tôi đã bức xúc thông báo ngừng thanh toán.

Sau đó công ty này cho người gọi điện rồi xuống tận nhà, xưng là nhân viên pháp lý đến xác minh vay nợ vì bị công ty tài chính kiện. Anh ta lập 1 tờ giấy xác minh với số tiền nợ lên tới… 31 triệu đồng và yêu cầu tôi ký nhưng tôi không ký. Sau này tôi mới biết đây không phải nhân viên pháp lý gì hết mà chính là người của công ty. Thấy tôi kiên quyết cho biết nếu kiện tôi sẵn sàng ra hầu tòa, ít ngày sau họ tiếp tục gọi điện và hẹn sẽ xuống để thỏa thuận lại” - anh Tiến bức xúc chia sẻ.

Không chỉ bị tính lãi suất cao, phạt chậm trả “cắt cổ”, dùng mọi thủ đoạn để đòi nợ, có một điều mà hầu hết khách hàng không ngờ tới đó là nếu họ không thanh toán sòng phẳng với công ty tài chính thì sẽ bị họ đưa vào danh sách nợ xấu của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước. Một chuyên viên tín dụng chia sẻ: Nhiều người không ý thức được tầm quan trọng của việc bị đẩy vào nợ xấu của CIC. Từ đó, dù một khoản tiền nợ xấu rất nhỏ có khi chỉ mấy trăm nghìn, mấy triệu đồng thôi nhưng sau này sẽ rất khó khăn nếu họ muốn giao dịch hay vay vốn của Ngân hàng. Đến khi cần vay vốn để đầu tư, kinh doanh, mua nhà hay làm gì sẽ không vay được nữa, lúc này khách hàng mới “ngớ” ra. 

Khi bị xâm hại hãy gọi điện đến tổng đài tư vấn

Gần đây, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã nhận được rất nhiều khiếu nại của người dân liên quan đến TDTD. Một trong các hành vi có dấu hiệu xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng (NTD) trong lĩnh vực TDTD là cung cấp thông tin không chính xác, đầy đủ về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Cụ thể, nhân viên tư vấn không thông báo đầy đủ, chính xác về mức lãi suất của hợp đồng; về cách thức tính lãi phạt; về thời hạn phải trả tiền hàng tháng và một số điều khoản đặc biệt trong hợp đồng TDTD. Thiếu sót này làm cho NTD không biết chính xác về nghĩa vụ của mình dẫn tới thực hiện sai hợp đồng và phát sinh khoản tiền phạt.

Một hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mà Cục Quản lý cạnh tranh nhận được phản ánh là nhân viên thu hồi nợ có dấu hiệu đe dọa, quấy nhiễu NTD và người thân của NTD trong quá trình thu hồi nợ. Chẳng hạn như tình trạng gọi điện, tin nhắn với nội dung đe dọa, lời lẽ thiếu tôn trọng người nghe, bất kể giờ giấc.

Trước tình trạng này, Phòng Bảo vệ NTD (Cục Quản lý cạnh tranh) khuyến cáo, để bảo vệ quyền lợi của mình, khi có nhu cầu vay tiền, NTD cần tham khảo các hình thức tín dụng tại các ngân hàng. Nếu không còn lựa chọn nào khác mới tham khảo hình thức TDTD tại các tổ chức tài chính, và phải lựa chọn các công ty, tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay có uy tín. NTD phải đọc thật kỹ hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn làm rõ nội dung hợp đồng, đặc biệt lưu ý các điều khoản vể lãi suất, thời hạn và phương thức trả nợ, cách tính tiền phạt. NTD cũng cần lưu ý và cẩn trọng khi cung cấp các thông tin cá nhân của mình và của người khác cho bên cung cấp dịch vụ…

NTD cần tư vấn về TDTD hoặc khi quyền lợi có dấu hiệu bị xâm phạm trong quá trình thực hiện các hoạt động TDTD có thể liên hệ Tổng đài tư vấn, hỗ trợ NTD tại đầu số miễn phí 1800.6838 của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương). 

Cần có trần lãi suất trong các hoạt động cho vay dân sinh
Thời gian qua, các hình thức cho vay tiêu dùng, vay kinh doanh ngắn hạn trả góp… đã được các ngân hàng phát triển mạnh chiếm lại thị phần của tín dụng đen. Tuy nhiên, lãi suất, thứ vũ khí để tín dụng đen gây hậu quả xấu với đời sống xã hội cũng đang được các công ty tài chính, ngân hàng sử dụng triệt để, và vì vậy, nguy cơ các ngân hàng, các công ty tài chính trở thành các ông chủ cho vay nặng lãi, gây hậu quả xấu lại xuất hiện. 

Chưa kể lãi suất trên hợp đồng vay thông thường từ 24%- 60%/năm, các biện pháp phạt chậm trả nhiều khi đã đẩy lãi suất cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng lên rất cao, không kém tín dụng đen là mấy. Thực ra, sẽ rất khó mở rộng loại hình cho vay tiêu dùng của ngân hàng, nếu như ấn định trần lãi suất chung với cho vay bên ngoài với một mức thấp. Trần lãi suất dự kiến 20%/năm là hoàn toàn xa rời thực tế, sẽ dẫn đến phần lớn giao dịch phạm luật và hạn chế kênh cho vay chính thức, khuyến khích hoạt động cho vay tự phát, gồm cả cho vay nặng lãi.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng, cho vay lãi suất cao, thỏa thuận lãi suất giữa một bên chủ động và một bên yếu thế, thì cũng không khác tín dụng đen. Khác chăng thay vì một phía thường dùng bạo lực đòi nợ, một phía dùng vũ khí pháp luật. Vì vậy, cần phải áp dụng trần lãi suất cho vay. Trần lãi suất thì cũng phải áp dụng chung cho tất cả các hoạt động tín dụng và phải tính toán ở mức hợp lý để không gây khó khăn cho các bên tham gia hoạt động này.

Như vậy, có thể thấy, rất cần có quy định chống cho vay nặng lãi để bảo vệ quyền lợi của người dân, nhưng vấn đề quan trọng nhất ở đây là trần lãi suất phải đủ rộng để không những tránh cho ngân hàng mà cho toàn xã hội rơi vào tình trạng bí bách, buộc phải thường xuyên phạm luật như suốt hàng chục năm qua.
Rõ ràng đã đến lúc cần có một trần lãi suất cho vay và cũng đã đến lúc cần có một tổ chức bảo vệ quyền lợi người vay trong các hoạt động vay nợ.
Phan Đức